Tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy khu vực các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa? Nghỉ việc do lũ thì được trả lương thế nào?
Tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy khu vực các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa?
Vào lúc 08 giờ 40 phút sáng ngày 11 tháng 9 năm 2024, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đã phát tin bão lũ mới nhất cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa, cụ thể như sau:
1. Tình hình mưa đã qua:
Trong 24 giờ qua (từ 08 giờ ngày 10/9 đến 08 giờ ngày 11/9), khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Cát Bà 210mm (Hải Phòng); Cao Sơn 110mm (Hòa Bình); Cẩm Phả 110mm (Quảng Ninh); Dân Hạ 109mm (Hòa Bình); Trung Hội 96mm (Thái Nguyên); Năm Làng 94mm (Cao Bằng); Yên Lương 81mm (Phú Thọ); Đan Hội 78mm (Bắc Giang); Xuân Lộc 97mm (Thanh Hóa);...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
2. Cảnh báo mưa trong thời gian tiếp theo: Trong 03-06 giờ tới khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 70mm.
3. Cảnh báo nguy cơ: Trong 06 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện (Chi tiết được đính kèm trong trong Phụ lục 1).
4. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1, Yên Bái: Cấp 2.
5. Cảnh báo tác động của lũ quét, sạt lở,sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Xem chi tiết Văn bản phát tin bão lũ mới nhất: Tại đây
Tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa? Nghỉ việc do lũ thì được trả lương thế nào? (Hình từ Internet)
Nghỉ việc do lũ thì được trả lương thế nào?
Căn cứ Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tiền lương ngừng việc
Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Theo đó, người lao động phải nghỉ việc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ được trả lương theo quy định.
Như vậy người lao động phải nghỉ việc, ngừng việc do lũ thì vẫn được công ty trả lương, cụ thể:
- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc: thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Mức lương tối thiểu hiện nay là bao nhiêu?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng, cụ thể như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng 1 | 4.960.000 | 23.800 |
Vùng 2 | 4.410.000 | 21.200 |
Vùng 3 | 3.860.000 | 18.600 |
Vùng 4 | 3.450.000 | 16.600 |
- Danh mục địa bàn vùng 1, vùng 2, vùng 3, vùng 4 được quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP.
- Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:
+ Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
+ Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
+ Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
+ Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
+ Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
+ Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục kèm theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP.