Tiêu chuẩn của nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay là gì?
Nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay có phải là một trong những chức danh của nhân viên hàng không không?
Căn cứ tại Điều 6 Thông tư 10/2018/TT-BGTVT được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 35/2021/TT-BGTVT quy định:
Chức danh nhân viên hàng không
1.Thành viên tổ lái bao gồm lái chính, lái phụ và nhân viên hàng không khác phù hợp với loại tàu bay.
2. Giáo viên huấn luyện bay.
3. Tiếp viên hàng không.
4. Nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay.
5. Nhân viên điều độ, khai thác bay.
6. Nhân viên không lưu.
7. Nhân viên thông báo tin tức hàng không.
8. Nhân viên bản đồ, sơ đồ, dữ liệu hàng không.
9. Nhân viên thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không.
10. Nhân viên khí tượng hàng không.
11. Nhân viên thiết kế phương thức bay.
12. Nhân viên tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng.
13. Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không.
14. Nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.
15. Nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay.
16. Nhân viên cứu nạn, chữa cháy tại cảng hàng không, sân bay.
Theo đó, nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay là một trong những chức danh của nhân viên hàng không.
Tiêu chuẩn của nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay là gì?
Tiêu chuẩn của nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay là gì?
Căn cứ tại Điều 8 Thông tư 10/2018/TT-BGTVT quy định:
Tiêu chuẩn nhân viên hàng không
1. Nhân viên hàng không quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 6 của Thông tư này đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành hàng không về lĩnh vực tàu bay, khai thác tàu bay, quản lý và bảo đảm hoạt động bay.
2. Nhân viên hàng không quy định tại khoản 13 Điều 6 của Thông tư này đáp ứng các tiêu chuẩn như sau:
a) Là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có lý lịch rõ ràng, đủ sức khỏe, tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên;
b) Không có tiền án, tiền sự theo quy định của pháp luật; không sử dụng ma túy, chất kích thích;
c) Được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép nhân viên kiểm soát an ninh hàng không.
3. Nhân viên hàng không quy định tại khoản 14, 15 và 16 Điều 6 của Thông tư này đáp ứng các tiêu chuẩn như sau:
a) Là công dân Việt Nam hoặc nước ngoài đủ 18 tuổi trở lên có lý lịch rõ ràng, đủ sức khỏe, tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên;
b) Không có tiền án, tiền sự theo quy định của pháp luật; không sử dụng ma túy, chất kích thích;
c) Đối với nhân viên hàng không quy định tại khoản 14 Điều 6 của Thông tư này phải được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay;
d) Đối với nhân viên hàng không quy định tại khoản 15 và 16 Điều 6 của Thông tư này phải có chứng chỉ chuyên môn chuyên ngành hàng không quy định tại khoản 1 Điều 9 của Thông tư này.
Theo đó, tiêu chuẩn của nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay là:
- Là công dân Việt Nam hoặc nước ngoài đủ 18 tuổi trở lên có lý lịch rõ ràng, đủ sức khỏe, tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên;
- Không có tiền án, tiền sự theo quy định của pháp luật; không sử dụng ma túy, chất kích thích;
- Có chứng chỉ chuyên môn chuyên ngành hàng không theo quy định.
Nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay có phải phục vụ hành khách tại sân bay không?
Căn cứ tại Điều 7 Thông tư 10/2018/TT-BGTVT được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 35/2021/TT-BGTVT quy định:
Nhiệm vụ theo chức danh của nhân viên hàng không
1. Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, soi chiếu, giám sát an ninh, duy trì trật tự, tuần tra, canh gác bảo vệ tại cảng hàng không, sân bay và các cơ sở khác theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về an ninh hàng không.
2. Nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay thực hiện nhiệm vụ điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.
3. Nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay thực hiện một hoặc một số các nhiệm vụ: giám sát, điều phối, phục vụ hành khách, hành lý, hàng hóa, tàu bay tại cảng hàng không, sân bay và các cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không nằm ngoài phạm vi ranh giới cảng hàng không, sân bay được Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy phép.
4. Nhân viên cứu nạn, chữa cháy tại cảng hàng không, sân bay thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, chữa cháy trong trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn tại cảng hàng không, sân bay.
5. Các chức danh nhân viên hàng không quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 6 của Thông tư này thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành hàng không về lĩnh vực tàu bay, khai thác tàu bay, quản lý và bảo đảm hoạt động bay.
Theo đó, nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay thực hiện một hoặc một số các nhiệm vụ: giám sát, điều phối, phục vụ hành khách, hành lý, hàng hóa, tàu bay tại cảng hàng không, sân bay và các cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không nằm ngoài phạm vi ranh giới cảng hàng không, sân bay được Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy phép.
Như vậy, nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay phải phục vụ hành khách tại sân bay.