Tiền trả cho người lao động cao tuổi tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì có phải chịu thuế thu nhập cá nhân không?
Sử dụng người lao động cao tuổi có được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều lần hay không?
Tại Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Sử dụng người lao động cao tuổi
1. Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
2. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.
3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.
Theo đó, khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Tiền trả cho người lao động cao tuổi tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì có phải chịu thuế thu nhập cá nhân không? (Hình từ Internet)
Thời giờ làm việc của người lao động cao tuổi tối đa là bao lâu?
Tại Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Người lao động cao tuổi
1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này.
2. Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
3. Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Theo quy định nêu trên, thời giờ làm việc của người lao động cao tuổi được xác dựa trên quy định về thời giờ làm việc của người lao động và thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động.
Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
Theo đó, trong điều kiện bình thường, thời gian làm việc của người lao động không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần, được nhà nước quy định để đảm bảo sức khỏe, tinh thần, cân bằng cuộc sống cho người lao động.
Tiền trả cho người lao động cao tuổi tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì có phải chịu thuế thu nhập cá nhân không?
Tại khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
...
3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, vì người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 9 Điều 123 Luật bảo hiểm xã hội 2014 nên căn cứ theo quy định trên, người sử dụng lao động phải thanh toán cho người lao động cao tuổi khoản tiền tương đương với mức đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc này theo quy định cùng với kỳ trả lương khi sử dụng người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu làm việc.
Về vấn đề đóng thuế TNCN đối với khoản tiền trả thêm này thì tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định như sau:
Các khoản thu nhập chịu thuế
...
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:...
…
đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:
…
Và theo Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định căn cứ tính thuế đối với thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công:
Căn cứ tính thuế đối với thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công
...
1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này trừ (-) các khoản giảm trừ sau:
a) Các khoản giảm trừ gia cảnh theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 9 Thông tư này.
b) Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Thông tư này.
c) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 9 Thông tư này.
Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp công ty chi trả thêm cho người lao động cao tuổi (không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) cùng lúc với kỳ lương một khoản tiền được xác định là các khoản lợi ích bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công mà người lao động được hưởng thì phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.