Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động được sử dụng đơn vị tiền tệ nào?
Thỏa thuận về tiền lương có bắt buộc phải được ghi vào hợp đồng lao động hay không?
Tại điểm đ khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
...
Theo đó, thỏa thuận về tiền lương là 1 trong những nội dung bắt buộc phải được ghi nhận trong hợp đồng lao động.
Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động được sử dụng đơn vị tiền tệ nào? (Hình từ Internet)
Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động được sử dụng đơn vị tiền tệ nào?
Tại khoản 14 Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN có quy định như sau:
Các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam
...
14. Người cư trú, người không cư trú là tổ chức được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính tổ chức đó.
...
Mặt khác, tại khoản 2 Điều 95 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Trả lương
1. Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.
2. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.
3. Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
Theo những quy định trên, một trong các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả trường hợp người cư trú, người không cư trú là tổ chức được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính tổ chức đó.
Đồng thời, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.
Như vậy, người sử dụng lao động và người lao động khi thoả thuận về tiền lương trong hợp đồng lao động thì đơn vị tiền tệ được sử dụng là tiền Đồng Việt Nam.
Nếu người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì đơn vị tiền tệ của tiền lương được ghi nhận trong hợp đồng lao động có thể là tiền Đồng Việt Nam hoặc là đồng tiền ngoại tệ.
Công ty yêu cầu giữ tiền lương để đảm bảo người lao động không được nghỉ việc trước hạn có được hay không?
Theo khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
...
Tiền lương là số tiền theo thỏa thuận được người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc dưới sự chỉ đạo và quản lý của người sử dụng lao động. Tiền lương phải được người sử dụng lao động trả đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.
Như vậy, khi đến kì trả lương, công ty không được giữ tiền lương của người lao động mà phải có trách nhiệm phải trả đủ tiền cho họ.
Thực tế nhiều công ty còn đưa ra cam kết ngay trong hợp đồng về việc mỗi tháng người lao động sẽ phải trích lại một phần tiền lương cho công ty coi như khoản tiền đảm bảo cho việc người lao động không được nghỉ việc trước hạn.
Điều này đã vi phạm nghiêm trọng một trong các điều cấm của Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể khoản 2 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
...
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
...
Theo đó, nghiêm cấm người sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Người lao động có quyền tự do về việc làm nên họ có quyền nghỉ làm nếu đã tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Việc công ty yêu cầu giữ tiền lương để đảm bảo nhân viên không "nhảy việc" đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do việc làm của người lao động.