Tiền công và tiền lương khác nhau như thế nào?
Tiền công và tiền lương khác nhau như thế nào?
*Tiền công
Đối với khái niệm về tiền công, hiện nay Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản khác không có quy định cụ thể, nhưng có thể hiểu như sau:
Tiền công là thuật ngữ để chỉ số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động sau khi người lao động hoàn thành công việc cụ thể mà người sử dụng lao động yêu cầu. Tiền công thường sẽ gắn trực tiếp với các mối quan hệ đồng thuận mua bán sức lao động. Hiện nay, tiền công được sử dụng khá phổ biến trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hợp đồng dân sự thuê mướn lao động có thời hạn. Đây là số tiền mà người lao động nhận được trong một khoảng thời gian nhất định khi thực hiện công việc. Số tiền chi trả dựa theo số giờ làm việc hoặc theo số lượng sản phẩm hoàn thành. Điều kiện và thời điểm nhận tiền công thường phụ thuộc vào các quy định, chính sách của doanh nghiệp. Những khoản chi phí khác cũng được tính vào tiền công như thuế thu nhập cá nhân, phụ cấp, thưởng và các khoản bổ sung thỏa thuận trong hợp đồng lao động. |
*Tiền lương
Còn đối với khái niệm về tiền lương, căn cứ tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau. |
Theo đó, tiền lương là số tiền mà doanh nghiệp trả cho người lao động dựa trên sự thỏa thuận giữa hai bên. Tiền lương có cơ sở pháp lý có thể đảm bảo rằng người sử dụng lao động phải cam kết trả lương bình đẳng cho người lao động.
Đây là một trong những động lực quan trọng để doanh nghiệp thu hút ứng viên. Tạo mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động sẽ bền chặt và lâu dài khi người sử dụng lao động trả cho người lao động một mức lương tương xứng với công sức họ bỏ ra để hoàn thành nhiệm vụ.
Từ 2 khái niệm trên có thể hiểu rằng, tiền công và tiền lương đều là thuật ngữ để chỉ khoản tiền mà người lao động được nhận sau quá trình thực hiện công việc hoặc quá trình sản xuất. Tuy nhiên, tiền công và tiền lương đều sẽ có những điểm khác biệt nhất định.
- Tiền công được thỏa thuận dựa trên đối tượng là công việc thực hiện, chỉ gắn với công việc mà không gắn với các yếu tố khác (như thời gian, kết quả thực hiện công việc, sản phẩm). Tiền công thường được trả theo mức độ công việc, hoàn thành công việc sẽ được nhận tiền.
- Tiền lương dựa vào các yếu tố lương theo thời gian hoặc lương theo sản phẩm. Tiền lương được ấn định cụ thể thời điểm chi trả hàng tháng, hàng tuần.
*Thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo.
Tiền công và tiền lương khác nhau như thế nào?
Người sử dụng lao động không trả lương cho người lao động đúng hạn bị xử phạt ra sao?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về tiền lương
...
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Theo đó, người sử dụng lao động không trả lương cho người lao động đúng hạn sẽ bị xử phạt với mức phạt thấp nhất là 5.000.000 đồng và cao nhất là 50.000.000 đồng, cụ thể sau đây:
- Từ 05 - 10 triệu đồng: Chậm lương của 01 đến 10 người lao động;
- Từ 10 - 20 triệu đồng: Chậm lương của 11 đến 50 người lao động;
- Từ 20 - 30 triệu đồng: Chậm lương của 51 đến 100 người lao động;
- Từ 30 - 40 triệu đồng: Chậm lương của 101 đến 300 người lao động;
- Từ 40 - 50 triệu đồng: Chậm lương của 301 người lao động trở lên.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động (theo khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Mức lãi suất sẽ được tính theo lãi tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vi phạm.
Lưu ý: Mức xử phạt trên được áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức xử phạt hành chính sẽ là gấp đôi so với cá nhân (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Hình thức trả lương có bắt buộc quy định trong hợp đồng lao động không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
...
Như vậy, hợp đồng lao động bắt buộc phải có 10 nội dung chủ yếu như trên, trong đó bao gồm nội dung quy định về hình thức trả lương cho người lao động.