Thuyền viên làm việc trên phương tiện giao thông đường thủy nội địa phải được khám sức khỏe định kỳ hàng năm đúng không?
- Thuyền viên làm việc trên phương tiện giao thông đường thủy nội địa phải được khám sức khỏe định kỳ hàng năm đúng không?
- Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đối với thuyền viên làm việc trên phương tiện giao thông đường thủy nội địa thuộc về ai?
- Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng làm việc trên phương tiện giao thông đường thủy nội địa có thời hạn bao lâu?
Thuyền viên làm việc trên phương tiện giao thông đường thủy nội địa phải được khám sức khỏe định kỳ hàng năm đúng không?
Căn cứ theo Điều 29 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (được bổ sung bởi khoản 2; có cụm từ bị thay thế bởi điểm b khoản 1 và có cụm từ bị bãi bỏ bởi khoản 7, khoản 8 Điều 2 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014) có quy định như sau:
Chức danh và tiêu chuẩn chức danh thuyền viên
1. Chức danh thuyền viên trên phương tiện bao gồm thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó, thuỷ thủ, thợ máy.
Chủ phương tiện, người thuê phương tiện có trách nhiệm bố trí đủ các chức danh, định biên thuyền viên làm việc trên phương tiện và lập danh bạ thuyền viên theo quy định.
2. Thuyền viên làm việc trên phương tiện phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Đủ 16 tuổi trở lên và không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam;
b) Đủ tiêu chuẩn sức khoẻ và phải được kiểm tra sức khoẻ định kỳ hàng năm;
c) Có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, loại phương tiện.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế thống nhất với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên.
4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn chức danh, chế độ trách nhiệm và định biên thuyền viên của từng loại phương tiện, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định tiêu chuẩn chức danh, chế độ trách nhiệm và định biên thuyền viên của phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Theo đó, thuyền viên làm việc trên phương tiện giao thông đường thủy nội địa phải được khám sức khỏe định kỳ hàng năm.
Thuyền viên làm việc trên phương tiện giao thông đường thủy nội địa phải được khám sức khỏe định kỳ hàng năm đúng không? (Hình từ Internet)
Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đối với thuyền viên làm việc trên phương tiện giao thông đường thủy nội địa thuộc về ai?
Căn cứ theo Điều 31 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (có từ bị thay thế bởi điểm b khoản 1 và có cụm từ bị bãi bỏ bởi khoản 7, khoản 8 Điều 2 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014) có quy định về đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn và chứng chỉ chuyên môn như sau:
Đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn và chứng chỉ chuyên môn
1. Cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện phải có đủ điều kiện quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
2. Việc đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện phải thực hiện đúng nội dung, chương trình quy định cho từng hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, loại chứng chỉ chuyên môn.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện; quy chế tuyển sinh; nội dung, chương trình đào tạo; các loại chứng chỉ chuyên môn; quy chế thi, cấp, đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định điều kiện của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện; quy chế tuyển sinh; nội dung, chương trình đào tạo; quy chế thi, cấp, đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện của phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Theo đó, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đối với thuyền viên làm việc trên phương tiện giao thông đường thủy nội địa thuộc về Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Tuy nhiên, trong trường hợp thuyền viên làm việc trên phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì sẽ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an cấp.
Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng làm việc trên phương tiện giao thông đường thủy nội địa có thời hạn bao lâu?
Căn cứ theo Điều 30 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 (được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1; có từ bị thay thế bởi điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014) có quy định như sau:
Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn
1. Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng có thời hạn 05 năm và được phân hạng như sau:
a) Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng được phân thành hạng nhất, hạng nhì, hạng ba và hạng tư;
b) Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng được phân thành hạng nhất, hạng nhì và hạng ba.
2. Chứng chỉ chuyên môn bao gồm chứng chỉ huấn luyện an toàn cơ bản, chứng chỉ nghiệp vụ và chứng chỉ chuyên môn đặc biệt.
3. Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng theo quy định của pháp luật.
Theo đó, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng làm việc trên phương tiện giao thông đường thủy nội địa sẽ có thời hạn 05 năm.