Thủ tục yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu như thế nào? Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu hiện nay thuộc về ai?
Ký hợp đồng lao động với công việc đòi nợ có được hay không?
Theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Hợp đồng lao động vô hiệu
1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:
a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;
b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này;
c) Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.
2. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.
Dẫn chiếu đến điểm h khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020 quy định như sau:
Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh
1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
...
h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
...
Như vậy, trường hợp ký hợp đồng lao động với công việc đòi nợ đã bị pháp luật cấm, hợp đồng này sẽ bị vô hiệu toàn bộ theo quy định của pháp luật.
Thủ tục yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu như thế nào? Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu hiện nay thuộc về ai?
Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu hiện nay thuộc về ai?
Theo Điều 50 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu
Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Những yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.
...
Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
...
2. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:
...
d) Yêu cầu về lao động quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật này.
...
Và theo quy định tại điểm v khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
...
2. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
...
v) Tòa án nơi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể đó vô hiệu;
...
Như vậy, thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu thuộc về Tòa dân sự Tòa án nhân dân cấp huyện nơi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động đó (Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Thủ tục yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu như thế nào?
Theo quy định tại Điều 402 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về trình tự yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu như sau:
- Bước 1: Người yêu cầu chuẩn bị hồ sơ và nộp tại Tòa án có thẩm quyền bao gồm:
+ Đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự
+ Các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. (Ví dụ: hợp đồng lao động, giấy tờ tùy thân,...)
- Bước 2: Tòa án xem xét đơn và ra quyết định mở phiên họp
Thời hạn chuẩn bị xét yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu là 10 ngày kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu. Hết thời hạn này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.
- Bước 3; Tòa án có trách nhiệm gửi thông báo thụ lý cho người có đơn yêu cầu, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động và Viện kiểm sát cùng cấp.
- Bước 4: Mở phiên họp
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp để xét yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
- Bước 5: Tòa án đưa ra quyết định
+ Khi xét đơn yêu cầu, Thẩm phán có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
+ Trường hợp chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán ra quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Trong quyết định này, Tòa án phải giải quyết hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
- Bước 6: Gửi Quyết định đến các bên và các cơ quan liên quan
Quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu phải gửi đến người có đơn hoặc văn bản yêu cầu, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cùng cấp trong trường hợp có liên quan đến doanh nghiệp không có trụ sở chính tại Việt Nam.
Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ khi công việc trong hợp đồng lao động bị pháp luật cấm?
Theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Lao động 2019 được hướng dẫn bởi Điều 11 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về việc xử lý hợp đồng vô hiệu toàn bộ như sau:
- Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, người lao động và người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động mới theo đúng quy định của pháp luật;
- Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi giao kết hợp đồng lao động mới thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
- Trường hợp hai bên không giao kết hợp đồng lao động mới thì:
+ Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo khoản 2 Điều 11 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
+ Người sử dụng lao động trả cho người lao động một khoản tiền do hai bên thỏa thuận nhưng cứ mỗi năm làm việc ít nhất bằng một tháng lương tối thiểu vùng theo tháng áp dụng đối với địa bàn người lao động làm việc do Chính phủ quy định tại thời điểm quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Thời gian làm việc của người lao động để tính trợ cấp là thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu.
+ Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc đối với các hợp đồng lao động trước hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu;
- Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.