Thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động hiện nay như thế nào?
Không có sổ bảo hiểm xã hội có sao hay không?
Theo quy định tại Điều 96 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Sổ bảo hiểm xã hội
1. Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Đến năm 2020, sổ bảo hiểm xã hội sẽ được thay thế bằng thẻ bảo hiểm xã hội.
3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tham gia và giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội bằng phương thức giao dịch điện tử.
Theo đó, sổ Bảo hiểm xã hội là cơ sở để người lao động hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Nếu không có sổ BHXH người lao động sẽ không được giải quyết hưởng các chế độ BHXH.
Thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động hiện nay như thế nào? (Hình từ Internet)
Thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội hiện nay như thế nào?
Theo quy định tại Chương IV Quy trình ban hành tại Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 về thủ tục cấp lại sổ BHXH như sau:
Bước 1: Lập đầy đủ hồ sơ theo quy định
Bước 2: Nộp hồ sơ
- Người tham gia:
+ Người lao động: Nộp hồ sơ cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH trực tiếp thu.
+ Người tham gia BHXH tự nguyện: Nộp hồ sơ cho Đại lý thu hoặc cơ quan BHXH trực tiếp thu.
+ Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc đã được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đề nghị cấp lại sổ BHXH: Nộp cho cơ quan BHXH trên toàn quốc.
- Người SDLĐ: kê khai hồ sơ liên quan sau đó nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện hoặc tại Trung tâm Phục vụ HCC các cấp.
Bước 3: Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định.
- Không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
- Trường hợp phải xác minh quá trình đóng BHXH ở tỉnh khác hoặc nhiều đơn vị nơi NLĐ có thời gian làm việc thì không quá 45 ngày nhưng phải có văn bản thông báo cho NLĐ biết.
Bước 4: Nhận kết quả giải quyết là sổ BHXH.
Hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội hiện nay như thế nào?
Theo quy định tại Điều 27 Quy trình ban hành tại Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 được sửa đổi bởi khoản 31 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 về hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội bao gồm:
(1) Trường hợp cấp lại do mất, hỏng
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH.
- Sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp bị hỏng.
(2) Trường hợp gộp sổ BHXH
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH.
- Các sổ BHXH đề nghị gộp (nếu có).
(3) Trường hợp cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, quốc tịch.
- Đối với người tham gia:
+ Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS).
+ Hồ sơ liên quan kèm theo tương ứng như sau:
Trường hợp thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch: Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh do cơ quan có thẩm quyền về hộ tịch cấp theo quy định và thẻ căn cước/ chứng minh thư/hộ chiếu.
Nếu là Đảng viên: lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi kết nạp.
+ Trường hợp người tham gia thay đổi nơi làm việc: Quyết định (văn bản) chứng minh địa điểm làm việc.
- Đối với Đơn vị: trong trường hợp NLĐ nộp hồ sơ qua đơn vị.
+ Xác nhận Tờ khai (TK1-TS) khi NLĐ điều chỉnh thông tin nhân thân trên sổ BHXH: thông tin điều chỉnh là đúng với hồ sơ quản lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận, ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên. Đối với người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH thì không phải xác nhận;
+ Bảng kê thông tin (mẫu D01-TS).
Mẫu Tờ khai cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động mới nhất hiện nay?
Mẫu Tờ khai cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động là Mẫu TK1-TS ban hành theo Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020
Dưới đây là hình ảnh Mẫu Tờ khai cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động mới nhất hiện nay.
Tải Mẫu Tờ khai cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động mới nhất hiện nay. Tải về