Thủ trưởng là ai? Thủ trưởng đơn vị Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm và phạm vi giải quyết công việc thế nào?
Thủ trưởng là ai?
Thủ trưởng hay người đứng đầu cơ quan, đơn vị là cụm từ thường được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật dùng để chỉ người đứng đầu, người nắm quyền quản lý cao nhất trong một cơ quan, tổ chức đơn vị đó.
Tùy theo loại hình cơ quan, tổ chức, đơn vị, tên gọi của người đứng đầu pháp luật chuyên ngành quy định khác nhau.
Ví dụ, theo Điều 32 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 quy định:
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Còn tại khoản 1 Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1963/QĐ-KTNN năm 2024 quy định:
Thủ trưởng đơn vị
1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN là người đứng đầu các đơn vị trực thuộc KTNN có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành đơn vị và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật, trước Tổng Kiểm toán nhà nước về toàn bộ hoạt động của đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được cấp có thẩm quyền quy định.
...
Ngoài ra, trong các tổ chức khác như quân đội, giáo dục hay doanh nghiệp, Thủ trưởng đơn vị cũng có thể được gọi bằng các tên gọi khác như chỉ huy, giám đốc hoặc trưởng phòng, nhưng đều mang ý nghĩa tương tự về vai trò lãnh đạo và quản lý.
Tổng kết lại, có thể hiểu Thủ trưởng là người đứng đầu, nắm quyền quản lý cao nhất trong một cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị. Họ có trách nhiệm lãnh đạo, điều hành và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của đơn vị mình trước pháp luật và các cấp có thẩm quyền.
Tên gọi và chức năng của thủ trưởng có thể khác nhau tùy thuộc vào loại hình tổ chức, nhưng vai trò của họ luôn quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động hiệu quả và tuân thủ các quy định pháp luật.
Thủ trưởng là ai? Thủ trưởng đơn vị Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm và phạm vi giải quyết công việc thế nào?
Thủ trưởng đơn vị Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm và phạm vi giải quyết công việc thế nào?
Ngày 05/12/2024, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định 1963/QĐ-KTNN năm 2024, trong đó có ban hành kèm theo Quyết định này bộ Quy chế làm việc của Kiểm toán nhà nước (sau đây gọi là quy chế), có hiệu lực từ ngày 05/12/2024.
Theo đó, căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Quy chế kèm theo Quyết định 1963/QĐ-KTNN năm 2024 quy định Thủ trưởng đơn vị Kiểm toán nhà nước có những trách nhiệm và phạm vi giải quyết công việc như sau:
- Điều hành đơn vị chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, Quy chế làm việc của KTNN, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, chính quyền địa phương nơi đóng trụ sở; xây dựng và thường xuyên củng cố mối quan hệ công tác với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị được kiểm toán; ban hành và kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy chế làm việc của đơn vị theo hướng dẫn của KTNN. Tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch và các nhiệm vụ được Lãnh đạo KTNN kết luận, phân công đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn;
- Nghiêm túc chấp hành ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN; nếu có ý kiến khác thì phải giải trình, báo cáo Lãnh đạo KTNN theo quy định; trường hợp có vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền hoặc thực hiện nhiệm vụ không phải do Lãnh đạo KTNN phụ trách đơn vị giao thì phải kịp thời báo cáo Lãnh đạo KTNN phụ trách;
- Chủ động giải quyết các công việc trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ chính sách đã quy định. Phối hợp với Thủ trưởng đơn vị khác để xử lý kịp thời những vấn đề có liên quan đến công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và thực hiện nhiệm vụ chung của KTNN;
- Đối với các nội dung đơn vị trình Tổng Kiểm toán nhà nước, cần phải được Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách xem xét, có ý kiến trước khi trình. Khi Tổng Kiểm toán nhà nước có ý kiến chỉ đạo, thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm báo cáo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách tiếp tục chỉ đạo xử lý;
- Thực hiện công tác tổ chức cán bộ theo quy định của pháp luật và phân cấp của KTNN;
- Phân công nhiệm vụ, quản lý, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo sự phối hợp và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các nhiệm vụ đã phân công cho Phó Thủ trưởng đơn vị, lãnh đạo cấp phòng, công chức, viên chức và người lao động;
- Trường hợp đi công tác dài ngày, vắng mặt vì việc riêng, sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, Thủ trưởng đơn vị ủy quyền bằng văn bản cho 01 Phó Thủ trưởng đơn vị điều hành, giải quyết công việc của đơn vị;
- Tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát quyền lực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sử dụng đúng chế độ, đúng mục đích, có hiệu quả tài sản, kinh phí được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của KTNN; quản lý công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị; chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật và trước Tổng Kiểm toán nhà nước khi để xảy ra vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của KTNN;
- Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức chính trị, chính trị - xã hội của đơn vị hoạt động có hiệu quả, đảm bảo quyền, nghĩa vụ và lợi ích của công chức, viên chức và người lao động;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng Kiểm toán nhà nước giao hoặc theo quy định của pháp luật, chính sách của đảng. Được Tổng Kiểm toán nhà nước ủy quyền giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền của Tổng Kiểm toán nhà nước và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật, trước Tổng Kiểm toán nhà nước về nội dung được ủy quyền;
- Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định và quy trình nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán theo thẩm quyền;
- Thường xuyên tự kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh và chịu trách nhiệm về những khuyết điểm, vi phạm trong hoạt động kiểm toán thuộc thẩm quyền được giao;
- Công khai, minh bạch nội dung về hoạt động kiểm toán cho tổ chức cá nhân có liên quan theo quy định;
- Kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán để bảo đảm việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
- Chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, sai phạm của đơn vị, của đoàn kiểm toán thuộc đơn vị;
- Triệu tập đầy đủ, đúng thành phần, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong thảo luận và quyết định các vấn đề theo thẩm quyền; không được vận động, dẫn dắt, thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, quyết định theo ý mình;
- Xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định khi nhận được thông tin, đơn, thư phản ánh, tố cáo có liên quan đến đơn vị.
Ngoài ra, trường hợp Thủ trưởng đơn vị cần báo cáo, xin ý kiến Tổng Kiểm toán nhà nước một số nội dung quan trọng thì phối hợp với Văn phòng KTNN bố trí lịch làm việc trình Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định. (khoản 3 Điều 5 Quy chế kèm theo Quyết định 1963/QĐ-KTNN năm 2024)
Thủ trưởng đơn vị Kiểm toán nhà nước phải làm việc với Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước định kỳ bao lâu một lần?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 10 Quy chế kèm theo Quyết định 1963/QĐ-KTNN năm 2024:
Quan hệ công tác của Lãnh đạo KTNN với Thủ trưởng đơn vị
1. Định kỳ 06 tháng một lần hoặc theo yêu cầu, Lãnh đạo KTNN làm việc với Thủ trưởng đơn vị theo lĩnh vực phụ trách và các bộ phận có liên quan.
...
Như vậy, định kỳ mỗi 06 tháng hoặc theo yêu cầu, Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước sẽ làm việc với Thủ trưởng đơn vị theo lĩnh vực phụ trách và các bộ phận có liên quan.