Thu nhập cán bộ công chức chính thức được áp dụng thống nhất khi cải cách tiền lương vào thời gian nào?
Thu nhập cán bộ công chức chính thức được áp dụng thống nhất khi cải cách tiền lương vào thời gian nào?
Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 10/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Theo đó, đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước của Trung ương đang thực hiện các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù, từ ngày 01/01/2024 đến ngày 30/6/2024:
Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024).
Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Từ ngày 01/7/2024, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.
Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước. Giao Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Như vậy, kể từ ngày 01/7/2024 sẽ chính thức bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.
Chi tiết tại: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/quoc-hoi-quyet-nghi-thuc-hien-cai-cach-tien-luong-dieu-chinh-luong-huu-bai-bo-tat-ca-cac-co-che-thu-nhap-dac-thu-119231110113634264.htm
Thu nhập cán bộ công chức chính thức được áp dụng thống nhất khi cải cách tiền lương vào thời gian nào? (Hình từ Internet)
Có bao nhiêu cán bộ công chức bị bảo lưu lương đặc thù khi cải cách tiền lương?
Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề cập đến vấn đề cải cách tiền lương từ 1/7/2024.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, khi thực hiện cải cách tiền lương, 5 bảng lương mới sẽ thay thế cho bảng lương theo hệ số hiện nay đã tồn tại từ năm 2004. Theo đó, hệ thống bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm và theo chức danh lãnh đạo, quản lý, loại bỏ hết những cơ chế chính sách tiền lương đặc thù.
Qua rà soát, có 36 cơ quan, đơn vị của một số ngành không còn được hưởng chính sách lương đặc thù. Thậm chí, nếu xây dựng bảng lương chạy ngang thì có một số cơ quan có thể bị giảm 50% lương.
Hiện nay, đối tượng không thuộc các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (có tiền lương tăng thêm ngoài chế độ chung) gồm: Lực lượng vũ trang và viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính đều có mức lương và phụ cấp mới cao hơn so với trước khi cải cách tiền lương.
Bên cạnh đó, có khoảng 134.284 cán bộ công chức thuộc 36 cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (có tiền lương tăng thêm ngoài chế độ chung từ 0,66 lần đến 2,43 lần), chiếm khoảng 6,78% so với tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức sẽ hưởng tiền lương mới (kể cả phụ cấp) có thể thấp hơn so với trước khi cải cách.
Khi cải cách tiền lương, các trường hợp này vẫn phải thực hiện chuyển xếp vào lương mới. Và khi bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù, thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024, tiền lương mới, kể cả phụ cấp của những cán bộ công chức này có thể thấp hơn so với trước khi cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 cũng nêu rõ nguyên tắc "chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng".
Vì vậy, Chính phủ đưa phương án, nếu lương cơ bản cộng phụ cấp mới thấp hơn so với tiền lương hiện hưởng (bao gồm cả tiền lương tăng thêm) trước cải cách tiền lương thì họ được hưởng lương bảo lưu chênh lệch. Mức bảo lưu chênh lệch này sẽ giảm tương ứng khi điều chỉnh tăng tiền lương mới hàng năm.
Đồng thời, để xử lý bất hợp lý đối với các trường hợp được tuyển dụng mới (sau khi cải cách tiền lương) ở 36 cơ quan, đơn vị hưởng lương đặc thù, Chính phủ đề nghị các đối tượng này khi xếp theo lương mới cũng cho áp dụng mức chênh lệch tương ứng với những người đã tuyển dụng trước khi cải cách tiền lương.
Xem chi tiết tại: https://moha.gov.vn/bo-truong/tin-tuc/cac-bai-phat-bieu/hon-134000-can-bo-cong-chuc-se-duoc-bao-luu-luong--d25-t258.html
Công chức viên chức được xây dựng mấy bảng lương mới?
Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 thiết kế cơ cấu tiền lương mới của công chức viên chức gồm lương cơ bản và phụ cấp. Trong đó:
- Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương).
- Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).
- Tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Theo đó, công chức viên chức sẽ được xây dựng 02 bảng lương mới sau đây:
- Xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.
- Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.