Thù lao môi giới xuất khẩu lao động tối đa là bao nhiêu?
Thù lao môi giới xuất khẩu lao động tối đa là bao nhiêu?
Tại Điều 7 Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH có quy định:
Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới
1. Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho mỗi 12 tháng làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 36 tháng trở lên thì mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động.
2. Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể được quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có quy định ngăn chặn tình trạng loạn thu phí người xuất khẩu lao động.
Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu lao động không được thu thù lao môi giới quá mức trần cho phép. Cụ thể, thù lao môi giới xuất khẩu lao động không được quá 0,5 tháng lương theo hợp đồng của người lao động.
Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể được quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH.
Thù lao môi giới xuất khẩu lao động tối đa là bao nhiêu?
Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải đáp ứng những điều kiện gì?
Tại Điều 50 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 có quy định như sau:
Điều kiện của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trực tiếp giao kết
1. Các điều kiện quy định tại các khoản 1,2,3,4 và 6 Điều 44 của Luật này.
2. Có hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 52 của Luật này.
3. Có văn bản xác nhận việc đăng ký hợp đồng lao động của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người lao động thường trú.
Theo đó, người lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc theo hợp đồng lao động trực tiếp ký với người sử dụng lao động ở nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài.
- Đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.
- Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.
- Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Có hợp đồng lao động giữa người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
- Có văn bản xác nhận việc đăng ký hợp đồng lao động của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người lao động thường trú.
Người lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng có các quyền gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định về quyền của người lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng như sau:
Quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có các quyền sau đây:
a) Được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chính sách, pháp luật và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động có liên quan đến người lao động; quyền, nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
b) Được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng lợi ích trong hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề;
c) Hưởng tiền lương, tiền công, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động và quyền lợi, chế độ khác theo hợp đồng lao động; chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập, tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
d) Được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế;
đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
e) Hưởng chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm và quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật;
g) Không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần;
h) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
i) Được tư vấn và hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước và tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện.
...
Theo đó người lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng có 09 quyền được nêu trên.