Thủ đô là gì? Làm việc ở Thủ đô Hà Nội có mức lương bao nhiêu?
Thủ đô là gì?
Căn cứ theo Điều 2 Luật Thủ đô 2012 có quy định về vị trí, vai trò Thủ đô như sau:
Vị trí, vai trò của Thủ đô
1. Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội.
2. Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
3. Trụ sở cơ quan trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ đặt tại khu vực Ba Đình thành phố Hà Nội.
Theo đó, Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Hiện nay Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội.
Thủ đô là gì? Làm việc ở Thủ đô Hà Nội có mức lương bao nhiêu?
Vùng Thủ đô Việt Nam hiện nay có bao nhiêu tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Luật Thủ đô 2012 quy định về vùng Thủ đô như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nội thành là khu vực gồm các quận của thành phố Hà Nội.
2. Ngoại thành là khu vực gồm các huyện, thị xã của thành phố Hà Nội.
3. Vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận do Chính phủ quyết định.
Theo đó, Vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận do Chính phủ quyết định.
Đồng thời khoản 2 Điều 1 Nghị định 91/2021/NĐ-CP về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô, quy định về Vùng Thủ đô như sau:
Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, trách nhiệm của các bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp thực hiện các quy định của pháp luật về Thủ đô; cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm có quy mô vùng và tính chất liên kết vùng của Vùng Thủ đô.
2. Vùng Thủ đô gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên.
Theo quy định nêu trên thì Vùng Thủ đô bao gồm 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau đây:
- Hà Nội;
- Hải Dương;
- Hưng Yên;
- Vĩnh Phúc;
- Bắc Ninh;
- Hà Nam;
- Hòa Bình;
- Phú Thọ;
- Bắc Giang;
- Thái Nguyên.
Làm việc ở Thủ đô Hà Nội có mức lương bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 có giải thích về mức lương tối thiểu như sau:
Mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
...
Như vậy, mức lương tối thiểu là mức lương tối thấp mà người lao động có thể nhận được khi thực hiện công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động thông thường.
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP có quy định cụ thể về mức lương tối thiểu như sau:
Mức lương tối thiểu
1. Quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
2. Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
...
Dẫn chiếu đến Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP có quy định về tiền lương tối thiểu của các vùng, địa bàn thuộc thành phố Hà nội thì người lao động làm việc tại Thành phố Hà Nội sẽ có mức lương tối thiểu như sau:
(1) Vùng I, gồm các địa bàn: Các quận và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội.
Các địa bàn này sẽ được áp dụng mức lương tối thiểu theo tháng là 4.680.000 đồng/tháng và mức lương tối thiểu theo giờ bằng 22.500 đồng/giờ.
(2) Vùng II, gồm các huyện còn lại thuộc thành phố Hà Nội.
Các địa bàn này sẽ được áp dụng mức lương tối thiểu theo tháng là 4.160.000 đồng/tháng và mức lương tối thiểu theo giờ bằng 20.000 đồng/giờ.