Thông tin đi làm việc ở nước ngoài xem ở website nào? Quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là gì?
Thông tin đi làm việc ở nước ngoài xem ở website nào?
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, việc đi làm việc ở nước ngoài trở thành một xu hướng hấp dẫn đối với nhiều người lao động.
Khi đi làm việc ở nước ngoài, người lao động Việt Nam không chỉ có cơ hội trải nghiệm văn hóa mới, mà còn có điều kiện để nâng cao tay nghề, mở rộng mạng lưới quan hệ và cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, để có thể làm việc tại một quốc gia khác, người lao động cần nắm rõ các thông tin quan trọng về việc đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, hiện nay nếu người lao động cần được tư vấn về các chương trình tuyển chọn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện, người lao động có thể tìm hiểu thông tin tại website Trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước.
(truy cập địa chỉ http://www.colab.gov.vn).
Đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có chức năng tổ chức triển khai nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật.
Tại website này, người lao động có thể đăng ký online để để cán bộ Trung tâm liên hệ, hỗ trợ thông tin và tư vấn về chương trình hoặc người lao động có thể trực tiếp liên hệ cán bộ Trung tâm qua số điện thoại liên lạc được công khai trên trang thông tin.
*Thông tin mang tính chất tham khảo
Thông tin đi làm việc ở nước ngoài xem ở website nào? Quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là gì?
Quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là gì?
Căn cứ theo Điều 6 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định như sau:
Về quyền:
- Được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chính sách, pháp luật và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động có liên quan đến người lao động; quyền, nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng lợi ích trong hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề;
- Hưởng tiền lương, tiền công, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động và quyền lợi, chế độ khác theo hợp đồng lao động; chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập, tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
- Được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế;
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
- Hưởng chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm và quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật;
- Không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần;
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Được tư vấn và hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước và tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện.
Về nghĩa vụ:
- Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
- Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam; tôn trọng phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động; đoàn kết với người lao động tại nước tiếp nhận lao động;
- Hoàn thành khóa học giáo dục định hướng trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
- Nộp tiền dịch vụ, thực hiện ký quỹ theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020;
- Làm việc đúng nơi quy định; chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân thủ sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động;
- Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
- Về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề; thông báo với cơ quan đăng ký cư trú nơi trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc nơi ở mới sau khi về nước theo quy định của Luật Cư trú 2020 trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh;
- Nộp thuế, tham gia bảo hiểm xã hội, hình thức bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
- Đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Người lao động tự ý ở lại nước ngoài sau khi chấm dứt hợp đồng lao động bị xử phạt thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 46 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và một số đối tượng liên quan khác
1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng đào tạo nghề mà không phải do bị đe dọa, ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào và không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
...
Như vậy, trường hợp người lao động có hành vi tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng đào tạo nghề mà không phải do bị đe dọa, ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào và không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu - 100 triệu đồng.