Thời giờ làm việc bình thường của người lao động? Người lao động được làm thêm không quá bao nhiêu giờ?
- Thời giờ làm việc bình thường của người lao động được quy định như thế nào?
- Thời giờ làm thêm của người lao động không được quá bao nhiêu giờ? Quy định về thời giờ làm thêm của người lao động qua các thời kỳ?
- Có bị xử phạt về thời giờ làm việc khi hành vi huy động người lao động làm thêm giờ vượt mức quy định không?
Thời giờ làm việc bình thường của người lao động được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:
Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Như vậy, thời giờ làm việc bình thường là thời gian làm việc không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần, được nhà nước quy định để đảm bảo sức khỏe, tinh thần, cân bằng cuộc sống cho người lao động.
Thời giờ làm việc bình thường của người lao động? Người lao động được làm thêm không quá bao nhiêu giờ? (Hình từ Internet)
Thời giờ làm thêm của người lao động không được quá bao nhiêu giờ? Quy định về thời giờ làm thêm của người lao động qua các thời kỳ?
Về thời giờ làm việc, trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của Bộ luật hiện hành và có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp.
Về thời giờ làm thêm, mặc dù trước đó rất nhiều phương án được đưa ra, tuy nhiên, tại Điều 107 Bộ luật Lao động 2019, Quốc hội đã quyết định không tăng thời giờ làm thêm giờ trong năm.
Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; nếu áp dụng thời giờ làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng; không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm.
Điều khác biệt duy nhất về thời gian làm thêm giờ quy định tại Bộ luật Lao động 2019 với khoản 2 Điều 106 Bộ luật Lao động 2012 (có hiệu lực từ 01/05/2013 đến 01/01/2021) ở điểm:
Số giờ làm thêm tối đa trong tháng tăng lên 40 giờ thay vì 30 giờ và cụ thể hơn các trường hợp được làm thêm tới 300 giờ/năm như sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản; cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước…
Theo quy định tại khoản 18 Điều 1 Bộ luật Lao động sửa đổi 2002 (có hiệu lực từ 01/01/2003 đến 01/05/2013) bổ sung Điều 69 Bộ luật Lao động 1994 như sau:
Điều 69 được sửa đổi, bổ sung như sau:
Điều 69
Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận làm thêm giờ, nhưng không quá bốn giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không được quá 300 giờ trong một năm do Chính phủ quy định, sau khi tham khảo ý kiến của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động.
Như vậy, Bộ luật Lao động sửa đổi 2002 chỉ quy định người lao động không được làm thêm giờ không quá trong 01 ngày và không quá trong 01 năm chứ không quy định thời giờ không được làm thêm trong 01 tháng.
Ngoài ra năm 2022, người lao động được làm thêm tối đa 60 giờ/tháng, không quá 300 giờ/năm. Năm 2022, trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 (có hiệu lực từ 01/04/2022 đến 01/01/2023) về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động.
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đến 01/01/2023, quy định trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
- Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi;
- Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
- Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
- Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 01 tháng quy định tại Điều 2 Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 (có hiệu lực từ 01/04/2022 đến 01/01/2023).
Có bị xử phạt về thời giờ làm việc khi hành vi huy động người lao động làm thêm giờ vượt mức quy định không?
Căn cứ khoản 4 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về xử phạt vi phạm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau:
Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
...
4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Lưu ý: Trên đây là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Như vậy nếu người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định thì sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với cá nhân và tùy vào quy mô người lao động vi phạm. Còn tổ chức thì sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.