Thời gian khai báo tai nạn lao động khi tai nạn trên đường đi làm về như thế nào?
Thời gian khai báo tai nạn lao động khi tai nạn trên đường đi làm về như thế nào?
Theo Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định:
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;
3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Theo đó người lao động bị tai nạn từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý sẽ được xác định là tai nạn lao động.
Theo Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định;
Khai báo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động
1. Việc khai báo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động thực hiện như sau:
a) Khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thì người bị tai nạn hoặc người biết sự việc phải báo ngay cho người phụ trách trực tiếp, người sử dụng lao động biết để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả xảy ra;
b) Đối với các vụ tai nạn quy định tại điểm a khoản này làm chết người hoặc làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm khai báo ngay với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn; trường hợp tai nạn làm chết người thì phải đồng thời báo ngay cho cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);
c) Đối với các vụ tai nạn, sự cố xảy ra trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện khai báo theo quy định của luật chuyên ngành;
d) Khi xảy ra tai nạn lao động làm chết người hoặc bị thương nặng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì gia đình nạn nhân hoặc người phát hiện có trách nhiệm khai báo ngay với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi xảy ra tai nạn lao động để kịp thời có biện pháp xử lý.
Trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan Công an cấp huyện và cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn để kịp thời có biện pháp xử lý.
Trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì người phát hiện có trách nhiệm kịp thời khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi xảy ra sự cố kỹ thuật và việc báo cáo thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 36 của Luật này.
2. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết tin báo về tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, thông báo kết quả giải quyết tin báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã báo tin khi có yêu cầu và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người đã báo tin.
Ngoài ra theo Điều 10 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định:
Thời gian, nội dung khai báo tai nạn lao động
1. Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên, người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn phải khai báo theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động như sau:
a) Khai báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn; trường hợp tai nạn làm chết người đồng thời báo ngay cho cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Công an cấp huyện);
b) Nội dung khai báo theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
...
3. Khi xảy ra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, thì việc khai báo theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động được thực hiện như sau:
a) Ngay sau khi biết sự việc người lao động bị chết hoặc bị thương nặng do tai nạn lao động, gia đình nạn nhân hoặc người phát hiện có trách nhiệm khai báo ngay với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi xảy ra tai nạn lao động;
...
Theo đó tuy pháp luật quy định người lao động bị tai nạn từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý sẽ được xác định là tai nạn lao động nhưng không đề cập về thời gian khai báo tai nạn lao động khi tai nạn trên đường đi làm về.
Thời gian khai báo tai nạn lao động khi tại nạn trên đường đi làm về như thế nào? (Hình từ Internet)
Người sử dụng lao động không khai báo hoặc khai báo không kịp thời khi phát hiện tai nạn lao động có bị xử phạt không?
Theo Điều 21 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động như sau:
Vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động
...
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
...
c) Không xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố hoặc ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc;
d) Không lập phương án về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động khi xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo các công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;
đ) Không điều tra tai nạn lao động thuộc trách nhiệm theo quy định của pháp luật; không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hoặc khai báo sai sự thật về tai nạn lao động; không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hoặc khai báo sai sự thật sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng;
....
Theo đó, hành vi không khai báo hoặc khai báo không kịp thời khi phát hiện tai nạn lao động là hành vi vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Lưu ý: mức xử phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, đối với tổ chức có hành vi vi phạm thì áp dụng mức xử phạt gấp đôi mức xử phạt đối với cá nhân. (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
Như vậy, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng và tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Mẫu khai báo tai nạn lao động mới nhất năm 2024 là mẫu nào?
Hiện nay mẫu khai báo tai nạn lao động mới nhất được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP như sau:
Tải mẫu khai báo tai nạn lao động: TẢI VỀ.