Thay thế cán bộ, công chức viên chức nào trong quản lý đầu tư công theo Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ?
Thay thế cán bộ, công chức viên chức nào trong quản lý đầu tư công theo Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ?
Theo Chỉ thị 26/CT-TTg năm 2024 trong những tháng đầu năm 2024 kết quả giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 34,68% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ giải ngân thấp gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định đã ký kết, huy động các nguồn vốn xã hội khác để đầu tư cơ sở hạ tầng và triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ.
Theo điểm e khoản 1 mục 3 Chỉ thị 26/CT-TTg năm 2024 thì về Tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định trong quản lý, giải ngân vốn đầu tư công Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo :
- Tăng cường tần suất kiểm tra dự án để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
- Giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo thực chất, không lạm dụng việc tạm ứng hợp đồng. Quản lý chặt chẽ việc tạm ứng hợp đồng theo đúng quy định và Chỉ thị số 20/CT-TTg năm 2024 về việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
- Đảm bảo thời gian bố trí vốn thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, hạn chế trình cấp có thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn dự án. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành các dự án đã được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn đến hết năm 2024.
- Tăng cường đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, công chức quản lý đầu tư công; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng, sợ trách nhiệm; khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trì trệ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Như vậy, theo Chỉ thị 26/CT-TTg năm 2024, trong quản lý đầu tư công Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thay thế kịp thời:
- Những cán bộ, công chức viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công;
- Những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trì trệ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Thay thế cán bộ, công chức viên chức nào trong quản lý đầu tư công theo Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ? (Hình từ Internet)
Tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ công chức trong trường hợp nào?
Theo Điều 81 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định thì cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.
Cán bộ công chức là người đứng đầu thì có nghĩa vụ gì?
Theo Điều 10 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định thì cán bộ công chức là người đứng đầu có các nghĩa vụ sau:
- Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia.
- Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.
- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.
- Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
- Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
- Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.
- Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao.
- Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức;
- Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân;
- Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ chức;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.