Thanh tra chuyên ngành là gì? Nội dung thanh tra chuyên ngành đối với Sở Giáo dục và Đào tạo ra sao?
Thanh tra chuyên ngành là gì?
Căn cứ khoản 3 Điều 2 Luật Thanh tra 2022 quy định về định nghĩa về thanh tra chuyên ngành như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hoạt động thanh tra bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.
...
3. Thanh tra chuyên ngành là thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực.
…
Như vậy, theo quy định trên có thể hiểu thanh tra chuyên ngành là hoạt động kiểm tra, đánh giá và xử lý việc tuân thủ pháp luật chuyên ngành, các quy định chuyên môn - kỹ thuật và quy tắc quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý thuộc một ngành hoặc lĩnh vực cụ thể.
Thanh tra chuyên ngành là gì? Nội dung thanh tra chuyên ngành đối với Sở Giáo dục và Đào tạo ra sao? (Hình từ Internet)
Nội dung thanh tra chuyên ngành đối với Sở Giáo dục và Đào tạo từ ngày 10/02/2025 như thế nào?
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 28/2024/TT-BGDĐT (văn bản có hiệu lực từ 10/02/2025) có quy định về nội dung thanh tra chuyên ngành đối với Sở Giáo dục và Đào tạo như sau:
(1) Việc tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân:
- Quyết định, kế hoạch, chương trình, dự án, chính sách phát triển giáo dục, phân luồng, hướng nghiệp học sinh tại địa phương phù hợp với chiến lược phát triển ngành giáo dục và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Quyết định mức thu học phí hằng năm đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh theo quy định của pháp luật;
- Quyết định biên chế công chức của cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
- Phê duyệt tổng số lượng người làm việc của các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh theo quy định của pháp luật.
(2) Việc trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành:
- Các văn bản pháp luật về giáo dục theo thẩm quyền;
- Văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về giáo dục; phương án tích hợp nội dung về mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo vào quy hoạch của tỉnh theo Luật Quy hoạch 2017 và các quy định có liên quan;
- Kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn; kế hoạch, chương trình, dự án phát triển giáo dục trung học phổ thông trên địa bàn; kế hoạch triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được phân công trên phạm vi địa bàn tỉnh; văn bản chấp thuận về việc thành lập, cho phép thành lập; sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục theo phân cấp trên địa bàn;
- Phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý phù hợp với thực tiễn của địa phương; phê duyệt Phương án thành lập, tổ chức lại, giải thể các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
(3) Việc phối hợp với Sở Nội vụ tổng hợp số lượng người làm việc hằng năm của các cơ sở giáo dục công lập trong kế hoạch số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
(4) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định các điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục theo phân cấp; đình chỉ hoạt động đối với cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; tuyển dụng hoặc phân cấp việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trong các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.
(5) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các cơ sở giáo dục đại học; trường cao đẳng sư phạm, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh theo phân cấp của Chính phủ.
(6) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo và người có chức danh theo dõi giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã.
(7) Quản lý các hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường; chỉ đạo thực hiện hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, an toàn trường học; tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện và chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông giáo dục trên địa bàn.
(8) Thường xuyên cập nhật thông tin về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thuộc phạm vi quản lý vào cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ báo cáo định kỳ hằng năm và đột xuất về thống kê, công khai lĩnh vực giáo dục của địa phương thuộc phạm vi quản lý với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
(9) Thực hiện thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục theo quy định của pháp luật.
(10) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Nội dung thanh tra chuyên ngành về thi, tuyển sinh đầu cấp ra sao?
Căn cứ theo Điều 8 Thông tư 28/2024/TT-BGDĐT có quy định về nội dung thanh tra chuyên ngành về thi, tuyển sinh đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học như sau:
(1) Nội dung thanh tra chuyên ngành về thi, gồm:
- Công tác tổ chức và quản lý kỳ thi;
- Đăng ký dự thi và chuẩn bị tổ chức thi;
- Công tác in sao, vận chuyển và bảo quản đề thi; bảo quản bài thi;
- Công tác coi thi;
- Công tác chấm thi;
- Xét công nhận tốt nghiệp;
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
(2) Nội dung thanh tra chuyên ngành về tuyển sinh, gồm:
- Chỉ tiêu tuyển sinh;
- Việc xây dựng và công bố đề án tuyển sinh;
-Các điều kiện bảo đảm cho công tác xét tuyển;
- Việc thực hiện quy định về xét tuyển;
- Thanh tra việc nhập học và kiểm tra hồ sơ thí sinh trúng tuyển;
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.