Thành phần Hội đồng kỷ luật công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ Tài chính gồm những ai?
Thành phần Hội đồng kỷ luật công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ Tài chính gồm những ai?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 11 Quy định về việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định 531/QĐ-BTC năm 2015 thì thành phần hội đồng kỷ luật công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gồm 05 thành viên, cụ thể:
(1) Trường hợp người vi phạm là công chức thuộc Vụ thuộc Bộ và viên chức thuộc Cục thuộc Bộ, Thanh tra Bộ:
- Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Vụ có người vi phạm;
- Một ủy viên là đại diện Ban chấp hành Công đoàn Bộ Tài chính;
- Một ủy viên là Lãnh đạo Phòng hoặc Phó Vụ trưởng (Vụ không có phòng) trực tiếp phụ trách người vi phạm;
- Một ủy viên là đại diện Vụ (Vụ không có phòng) hoặc đại diện Phòng, Đơn vị sự nghiệp có người vi phạm, do Vụ trưởng lựa chọn;
- Một ủy viên kiêm thư ký là công chức Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài chính.
(2) Trường hợp người vi phạm thuộc Vụ thuộc Tổng cục:
- Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Tổng cục;
- Một ủy viên là đại diện Ban chấp hành Công đoàn Tổng cục;
- Một ủy viên là đại diện Phòng hoặc Vụ (Vụ không có phòng) có người vi phạm do Vụ trưởng lựa chọn;
- Một ủy viên là Lãnh đạo Vụ trực tiếp phụ trách (Vụ không có phòng) hoặc Lãnh đạo Phòng có người vi phạm;
- Một ủy viên kiêm thư ký là công chức Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục.
(3) Trường hợp người vi phạm thuộc cơ quan Cục địa phương:
- Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Cục;
- Một ủy viên là đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ quan Cục;
- Một ủy viên là Lãnh đạo Phòng có công chức vi phạm;
- Một ủy viên là đại diện Phòng có người vi phạm, do Trưởng phòng có người vi phạm lựa chọn;
- Một ủy viên, kiêm thư ký là công chức Phòng Tổ chức cán bộ Cục.
(4) Trường hợp người vi phạm thuộc Chi cục:
- Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Cục;
- Một ủy viên là đại diện Ban chấp hành Công đoàn Chi cục;
- Một ủy viên là Lãnh đạo Chi cục có người vi phạm;
- Một ủy viên là đại diện Đội có người vi phạm, do Đội trưởng hoặc Chi cục trưởng lựa chọn;
- Một ủy viên Hội đồng kiêm thư ký là công chức Phòng Tổ chức cán bộ Cục.
(5) Trường hợp người vi phạm thuộc Đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ
- Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Đơn vị sự nghiệp;
- Một ủy viên là đại diện cấp Ủy Đơn vị sự nghiệp;
- Một ủy viên là đại diện Ban chấp hành Công đoàn Đơn vị sự nghiệp;
- Một ủy viên là đại diện Phòng có người vi phạm do Lãnh đạo Đơn vị sự nghiệp lựa chọn;
- Một ủy viên kiêm thư ký là viên chức thuộc Phòng Tổ chức hành chính của đơn vị sự nghiệp.
Thành phần Hội đồng kỷ luật công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ Tài chính gồm những ai? (Hình từ Internet)
Hồ sơ kỷ luật công chức, viên chức Bộ Tài chính có gồm những tài liệu gì?
Căn cứ theo Điều 14 Quy định về việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định 531/QĐ-BTC năm 2015 quy định về thành phần hồ sơ kỷ luật gồm:
(1) Thông báo của Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền về việc xem xét, xử lý kỷ luật, kèm theo tài liệu thẩm tra, kiểm tra, bản án có hiệu lực thi hành, kết luận vi phạm.
(2) Sơ yếu lý lịch trích ngang của người vi phạm;
(3) Giấy triệu tập họp kiểm điểm đối với người vi phạm;
(4) Bản tự kiểm điểm của người vi phạm hoặc giấy xác nhận của người chủ trì cuộc họp về lý do người vi phạm không viết bản tự kiểm điểm.
(5) Biên bản các cuộc họp kiểm điểm;
(6) Tờ trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật người vi phạm;
(7) Quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật;
(8) Biên bản cuộc họp Hội đồng kỷ luật;
(9) Biên bản kiểm phiếu (kèm theo phiếu được niêm phong do tổ trưởng tổ kiểm phiếu thực hiện) kiến nghị hình thức kỷ luật của Hội đồng kỷ luật;
(10) Tờ trình đề nghị hình thức kỷ luật của Hội đồng kỷ luật;
(11) Quyết định thi hành kỷ luật hoặc kết luận không vi phạm;
(12) Báo cáo xử lý kỷ luật;
(13) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Thời hiệu xử lý kỷ luật công chức viên chức Bộ Tài chính là bao lâu?
Căn cứ Điều 3 Quy định về việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định 531/QĐ-BTC năm 2015 quy định như sau:
Thời hiệu xử lý kỷ luật
1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm người vi phạm có hành vi vi phạm cho đến thời điểm Người đứng đầu đơn vị có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét, xử lý kỷ luật.
2. Các căn cứ để ra thông báo được quy định cụ thể như sau:
a) Đối với các trường hợp đã có kết luận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền (như Thanh tra, Kiểm tra, Cơ quan điều tra, Bản án có hiệu lực của Tòa án...) về hành vi của người vi phạm, nếu còn thời hiệu thì Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét, xử lý kỷ luật;
b) Đối với các trường hợp chưa có kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền (như đơn thư tố cáo, phản ánh, thông tin đại chúng qua dư luận xã hội, chỉ đạo của cơ quan cấp trên...) thì Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền tổ chức Đoàn (Tổ) Kiểm tra để kiểm tra, xác minh làm rõ sự việc (kết quả kiểm tra phải được lập thành biên bản từng sự việc đối với người vi phạm và phải có kết luận sai phạm do thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền ký). Căn cứ vào kết luận đó, Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét, xử lý kỷ luật.
3. Chậm nhất trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận sai phạm, Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền phải ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét, xử lý kỷ luật hoặc không xem xét, xử lý kỷ luật.
4. Bộ phận phụ trách công tác tổ chức cán bộ của đơn vị có thẩm quyền, nơi người vi phạm đang công tác, có trách nhiệm chuẩn bị toàn bộ tài liệu liên quan đến người vi phạm, như: Dự thảo thông báo xem xét, xử lý kỷ luật, giấy triệu tập tham gia cuộc họp, trích ngang lý lịch của người vi phạm, các tài liệu khác liên quan đến người vi phạm, trình Thủ trưởng đơn vị.
Theo đó, thời hiệu xử lý kỷ luật công chức viên chức Bộ Tài chính là 24 tháng kể từ thời điểm người vi phạm có hành vi vi phạm cho đến thời điểm Người đứng đầu đơn vị có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét, xử lý kỷ luật.