Thăng hạng viên chức chuyên ngành y từ hạng 2 lên hạng 1 cần đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể gì?
Thăng hạng viên chức chuyên ngành y từ hạng 2 lên hạng 1 cần đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể gì?
Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 11/2024/TT-BYT quy định thì tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể xét thăng hạng viên chức chuyên ngành y từ hạng 2 lên hạng 1 là viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Bác sĩ cao cấp (hạng I), Bác sĩ y học dự phòng cao cấp (hạng 1), Y tế công cộng cao cấp (hạng 1) phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chung quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 11/2024/TT-BYT và trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng II đạt một trong các thành tích, kết quả hoạt động như sau:
- Được bổ nhiệm chức danh Giáo sư hoặc Phó giáo sư chuyên ngành phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng;
- Đạt danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”;
- Đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc;
- Được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì trở lên;
- Chủ nhiệm hoặc thành viên tham gia chính ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên và nhiệm vụ khoa học và công nghệ này phải được nghiệm thu từ mức đạt trở lên;
- Chủ trì hoặc thành viên tham gia chính ít nhất 01 đề án hoặc 01 hướng dẫn, quy trình chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực công tác được cấp bộ, cấp tỉnh ban hành;
- Chủ nhiệm ít nhất 03 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên và nhiệm vụ khoa học và công nghệ này phải được nghiệm thu từ mức đạt trở lên.
Thăng hạng viên chức chuyên ngành y từ hạng 2 lên hạng 1 cần đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể gì? (Hình từ Internet)
Bác sĩ cao cấp cần đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và bồi dưỡng gì?
Theo khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 03/2022/TT-BYT) quy định:
Bác sĩ cao cấp (hạng I) - Mã số: V.08.01.01
…
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ nhóm ngành Y học (trừ ngành y học dự phòng); bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ ngành Răng - Hàm - Mặt.
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).
…
Theo đó Bác sĩ cao cấp cần đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và bồi dưỡng gồm:
- Bác sĩ cao cấp cần hoàn thành khóa đào tạo và tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp 2 hoặc tốt nghiệp chương trình đào tạo tiến sĩ nhóm ngành Y học (trừ ngành y học dự phòng); hoàn thành khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp 2 hoặc tốt nghiệp chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Răng - Hàm - Mặt.
- Học và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).
Bác sĩ cao cấp bị truy cứu trách nhiệm hình sự có bị thu hồi giấy phép hành nghề không?
Bác sĩ cao cấp thuộc chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh theo khoản 1 Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Theo khoản 1 Điều 35 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định:
Thu hồi giấy phép hành nghề
1. Giấy phép hành nghề bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề không đúng quy định;
b) Giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề;
c) Cấp sai chức danh chuyên môn hoặc phạm vi hành nghề trong giấy phép hành nghề so với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề;
d) Người hành nghề không hành nghề trong thời gian 24 tháng liên tục, trừ trường hợp tham gia chương trình đào tạo chuyên khoa;
đ) Người hành nghề thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 20 của Luật này;
e) Người hành nghề bị Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề;
g) Người hành nghề lần thứ hai bị Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật đến mức phải đình chỉ hành nghề trong thời hạn của giấy phép hành nghề;
h) Người hành nghề lần thứ hai bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là có vi phạm đạo đức nghề nghiệp đến mức phải đình chỉ hành nghề trong thời hạn của giấy phép hành nghề;
i) Người hành nghề tự đề nghị thu hồi giấy phép hành nghề;
k) Trường hợp khác do Chính phủ quy định sau khi đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
...
Dẫn chiếu khoản 1 Điều 20 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định:
Các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.
2. Đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.
3. Đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
4. Đang trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
5. Đang trong thời gian bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo bản án hình sự có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc bị hạn chế thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
6. Mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Theo đó Bác sĩ cao cấp thi hành án phạt tù sẽ bị thu hồi giấy phép hành nghề theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 35 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 nếu hành vi vi phạm dẫn đến bị truy cứu trách nhiệm hình sự có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật của Bác sĩ cao cấp.