Tết Tây 2025 là thứ mấy? Được nghỉ nhiều hơn 1 ngày vào Tết Tây 2025 không?
Tết Tây 2025 là thứ mấy?
Tết Tây, hay còn gọi là Tết Dương Lịch, là ngày đầu năm mới theo lịch Dương, diễn ra vào ngày 1 tháng 1 hàng năm. Ngày này thường bắt đầu vào đêm giao thừa của ngày 31 tháng 12, khi mọi người tụ tập để chào đón năm mới với nhiều hoạt động vui vẻ như tiệc tùng, bắn pháo, và các sự kiện lễ hội. Tết Tây không chỉ là dịp để mọi người sum họp bên gia đình và bạn bè, mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự khởi đầu mới, hi vọng vào một năm tốt đẹp hơn.
Tết Tây 2025 rơi vào thứ Tư ngày 01 tháng 01 năm 2025 theo lịch Dương.
Tết Tây 2025 là thứ mấy? Được nghỉ nhiều hơn 1 ngày vào Tết Tây 2025 không? (Hình từ Internet)
Cán bộ, công chức viên chức và người lao động được nghỉ nhiều hơn 1 ngày vào Tết Tây 2025 không?
Căn cứ Điều 13 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định như sau:
Quyền của cán bộ, công chức về nghỉ ngơi
Cán bộ, công chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.
Theo đó, cán bộ, công chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
Căn cứ Điều 13 Luật Viên chức 2010 quy định như sau:
Quyền của viên chức về nghỉ ngơi
1. Được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.
2. Viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ phép của 02 năm để nghỉ một lần; nếu gộp số ngày nghỉ phép của 03 năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Đối với lĩnh vực sự nghiệp đặc thù, viên chức được nghỉ việc và hưởng lương theo quy định của pháp luật.
4. Được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, viên chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo đó, cán bộ, công chức viên chức và người lao động được nghỉ Tết Tây 2025 với số ngày như sau:
* Đối với cán bộ, công chức viên chức
Tết Tây 2025 rơi vào thứ tư ngày 01 tháng 01 rơi vào ngày làm việc của cán bộ, công chức viên chức. Theo đó, cán bộ công chức viên chức sẽ được nghỉ 01 ngày.
* Đối với người lao động
Người lao động tại khu vực doanh nghiệp cũng sẽ được nghỉ Tết Tây 2025 01 ngày. Tuy nhiên nếu Tết Tây 2025 trùng vào ngày nghỉ hàng tuần của người lao động thì người lao động sẽ được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp (căn cứ tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019).
Bên cạnh đó, người lao động có thể xin nghỉ có hưởng lương (trường hợp còn phép năm, nghỉ việc riêng) hoặc nghỉ không hưởng lương để kéo dài ngày nghỉ Tết Tây 2025 nếu được người sử dụng lao động đồng ý. (Điều Điều 113, Điều 115 Bộ luật Lao động 2019)
Đi làm vào ngày Tết Tây được trả mức lương bao nhiêu?
Căn cứ Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, cụ thể như sau:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, nếu người lao động đi làm ngày Tết Tây thì ngoài tiền lương ngày nghỉ tết, người lao động còn được trả thêm lương làm thêm giờ.
Như vậy, nếu người lao động đi làm vào ngày Tết Tây thì người lao động sẽ được hưởng lương như sau:
- 100% tiền lương của ngày đi làm hôm đó;
- Cộng thêm ít nhất là 300% tiền lương của ngày đi làm hôm đó.
Như vậy, tổng số tiền lương người lao động làm việc vào ban ngày có thể được hưởng ít nhất là 400% lương của ngày làm việc bình thường.
Nếu làm việc vào ca đêm của ngày Tết Tây bạn sẽ được hưởng tối thiểu 490% lương của ngày làm việc bình thường.