Tết ta là gì? Tết ta 2024, người lao động được nghỉ bao nhiêu ngày?
Tết ta là gì?
Tết ta hay còn gọi là Tết Nguyên đán, là dịp lễ đầu năm mới của Việt Nam, được tính theo Âm lịch.
Vì Âm lịch theo chu kỳ vận hành của mặt trăng, cho nên Tết ta muộn hơn Tết Tây. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch, cho nên ngày đầu năm của dịp Tết ta hằng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
Tết ta là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam, mang ý nghĩa chào mừng năm mới, cầu mong những điều tốt lành, may mắn.
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.
Tết ta là gì? Tết ta 2024, người lao động được nghỉ bao nhiêu ngày? (Hình từ Internet)
Tết ta 2024, người lao động được nghỉ bao nhiêu ngày?
Căn cứ Thông báo 5015/TB-LĐTBXH năm 2023, chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024 cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động như sau:
* Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là công chức, viên chức) được nghỉ Tết ta 2024 từ thứ Năm ngày 08/02/2024 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ Tư ngày 14/02/2024 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Đợt nghỉ này bao gồm 05 ngày nghỉ Tết ta và 02 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019.
* Đối tượng người lao động không làm trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội:
Người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ Tết ta 2024 như sau:
Dịp nghỉ Tết ta 2024 lựa chọn 01 ngày cuối năm Qúy Mão và 04 ngày đầu năm Giáp Thìn hoặc 02 ngày cuối năm Qúy Mão và 03 ngày đầu năm Giáp Thìn hoặc 03 ngày cuối năm Qúy Mão và 02 ngày đầu năm Giáp Thìn.
Thông báo phương án nghỉ Tết ta 2024 cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.
Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019.
Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ Tết ta 2024 cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức.
Người lao động làm việc vào ngày nghỉ Tết ta được trả lương thế nào?
Căn cứ Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, theo quy định trên, người lao động đi làm dịp Tết ta 2024 thì được hưởng mức lương như sau:
- Làm việc vào ban ngày: Nhận ít nhất 400% lương.
- Làm việc vào ban đêm: Nhận ít nhất 490% lương.
Tiền thưởng Tết cho người lao động là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thưởng như sau:
Thưởng
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo quy định này, các khoản thưởng không phải là khoản bắt buộc người sử dụng lao động phải trả cho người lao động.
Do pháp luật không yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải thưởng tết cho người lao động, cũng như không quy định mức thưởng tết như thế nào nên sẽ do doanh nghiệp chủ động.