Team Building là gì? Người lao động có bắt buộc phải tham gia Team Building cùng công ty không?
Team Building là gì?
Để giải thích cho câu hỏi "Team Building là gì" thì có nhiều cách nghĩ khi nhắc đến Team Building, một số cho rằng đây là kỳ nghỉ của tập thể, trong khi đó một số khác xem hoạt động này như một dịp để tập thể gắn kết lại với nhau hơn. Hiểu một cách chính xác nhất, Team Building là một chuỗi các hoạt động, trong đó bao gồm nghỉ dưỡng, du lịch, các trò chơi tập thể, Gala dinner tổng kết,…của các công ty, doanh nghiệp hoặc tổ chức.
Thông thường các công ty sẽ tổ chức Team Buiding định kỳ 1-2 lần mỗi năm để thay đổi không khí, tạo động lực làm việc cho các nhân viên.
Địa điểm tổ chức Team Building sẽ phụ thuộc vào thời gian, kinh phí mà công ty đề ra ban đầu, nhưng thường sẽ là những địa điểm du lịch mới, nổi tiếng.
**Thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo.
Team Building là gì? Người lao động có bắt buộc phải tham gia Team Building cùng công ty không?
Người lao động có bắt buộc phải tham gia Team Building cùng công ty không?
Căn cứ theo điểm đ khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
...
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
...
Và dẫn chiếu đến điểm c2 khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định:
Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động
...
5. Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được quy định như sau:
...
c) Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:
c1) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;
c2) Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Đối với các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 có nêu:
Thưởng
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Từ các quy định nêu trên, có thể thấy rằng, công ty tổ chức Team Building cho người lao động là một hình thức thưởng cho người lao động đã làm việc hết năng suất, hiệu quả trong thời gian dài qua. Đây cũng có thể xem là dịp đi du lịch của toàn công ty để các nhân viên được nghỉ dưỡng, healing, thư giãn, giao lưu giữa các phòng ban, gắn kết với nhau hơn.
Và hình thức thưởng này sẽ có quy định trong nội dung hợp đồng lao động, việc người lao động có tham gia Team Buiding hay không sẽ hoàn toàn do sự thỏa thuận của người lao động với công ty.
Chính vì vậy, người lao động không bắt buộc phải tham gia Team Buiding cùng công ty (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác với nhau).
Công ty có được sa thải người lao động không tham gia Team Building không?
Theo Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các hình thức xử lý kỷ luật sa thải sau đây:
Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
3. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;
4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Như vậy, công ty sa thải người lao động vì không tham gia kỳ nghỉ Team Building cùng công ty không thuộc trong các trường hợp công ty được quyền sa thải.
Như vậy, công ty không có quyền sa thải người lao động nếu họ không tham gia Team Building cùng công ty.
Với trường hợp này, nếu công ty sa thải người lao động trái quy định pháp luật có thể bị xử phạt hành chính khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, cụ thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng theo quy định của pháp luật.