Tất cả người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều phải đóng bảo hiểm xã hội đúng không?
Bảo hiểm xã hội là gì?
Bảo hiểm xã hội là một khái niệm khá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 định nghĩa như sau:
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Trong đó:
Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội được liệt kê tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Như vậy, bảo hiểm xã hội là một chính sách an sinh xã hội do Nhà nước tổ chức và được bảo đảm thực hiện bởi cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định của Pháp luật. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động là những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định.
Tất cả người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều phải đóng bảo hiểm xã hội đúng không? (Hình từ Internet)
Có phải tất cả người lao động nước ngoài tại Việt Nam đều phải đóng bảo hiểm xã hội hay không?
Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam là một trong những đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội được nêu rõ tại khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Đối tượng áp dụng
...
2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
...
Thêm vào đó, căn cứ Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
...
Dựa vào những quy định trên để tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải thỏa các điều kiện sau đây:
(1) Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
(2) Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tại khoản 2 điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP vẫn có một số trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc dù đáp ứng đủ yêu cầu như trên, bao gồm:
(1) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định;
(2) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng những chế độ sau: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.
Trình tự giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội như thế nào?
Theo Điều 4 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, việc khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội đối với người lao động ngước ngoài được thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Theo đó, trình tự giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội được nêu tại Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
- Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi hành chính về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
- Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người khiếu nại có quyền lựa chọn một trong hai hình thức sau đây:
(1) Khiếu nại lần đầu đến cơ quan, người đã ra quyết định hoặc người có hành vi vi phạm. Trường hợp cơ quan, người có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện có trách nhiệm giải quyết;
(2) Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu đến cơ quan, người đã ra quyết định hoặc người có hành vi vi phạm hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.