Tăng số ngày lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai từ 1/7/2025 như thế nào?
Tăng số ngày lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai từ 1/7/2025 như thế nào?
Căn cứ theo Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Thời gian hưởng chế độ khi khám thai
1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Và căn cứ theo Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2025) quy định như sau:
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai
1. Lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần không quá 02 ngày.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Theo đó, người lao động hưởng chế độ thai sản khi khám thai như sau:
Trước 1/7/2025 | Từ 1/7/2025 |
- Nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày. - Trường hợp được nghỉ việc mỗi lần 2 ngày chỉ được áp dụng khi ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường. | - Nghỉ việc để đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần không quá 02 ngày. |
Như vậy, từ 1/7/2025 số ngày mà mỗi lần lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tăng lên 02 ngày (tối đa) trong mọi trường hợp.
Tăng số ngày lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai từ 1/7/2025 như thế nào? (Hình từ Internet)
Chế độ thai sản áp dụng cho cả NLĐ tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện đúng không?
Căn cứ theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Các chế độ bảo hiểm xã hội
1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
a) Ốm đau;
b) Thai sản;
c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Hưu trí;
đ) Tử tuất.
2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất.
3. Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.
Theo đó, hiện nay chế độ thai sản chỉ áp dụng cho NLĐ tham gia BHXH bắt buộc.
Căn cứ theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:
Loại hình, các chế độ bảo hiểm xã hội
1. Trợ cấp hưu trí xã hội có các chế độ sau đây:
a) Trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng;
b) Hỗ trợ chi phí mai táng;
c) Hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.
2. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
a) Ốm đau;
b) Thai sản;
c) Hưu trí;
d) Tử tuất;
đ) Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
3. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Trợ cấp thai sản;
b) Hưu trí;
c) Tử tuất;
d) Bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
4. Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm.
5. Bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Theo đó, từ 1/7/2025 NLĐ tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện đều được hưởng chế độ thai sản.
Như vậy, chế độ thai sản áp dụng cho cả NLĐ tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện từ 1/7/2025. Hiện nay chế độ thai sản chỉ áp dụng cho NLĐ tham gia BHXH bắt buộc.
Sau thai sản thì NLĐ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe một ngày với số tiền bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
b) Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
c) Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
3. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Và căn cứ theo Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP thì mức lương cơ sở hiện nay là 2.340.000 đồng.
Do đó, sau thai sản thì NLĐ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe một ngày với số tiền là: 2.340.000 x 30% = 702.000 đồng/ngày.