Tăng lương hưu thêm 15% cho 09 nhóm đối tượng nhưng vẫn tiếp tục tăng cho 07 nhóm đối tượng thêm bao nhiêu?
Tăng lương hưu thêm 15% cho 09 nhóm đối tượng nhưng vẫn tiếp tục tăng cho 07 nhóm đối tượng thêm bao nhiêu?
Căn cứ Điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Thời điểm và mức điều chỉnh
1. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2024 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này, sau khi điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều này, có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau: Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.
3. Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định tại Điều này là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Theo đó, từ ngày 1/7/2024 điều chỉnh tăng lương hưu thêm 15% trên mức lương hưu hằng tháng của tháng 6 năm 2024 đối với 09 nhóm đối tượng sau đây:
(1) Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
(2) Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP, Nghị định 92/2009/NĐ-CP (văn bản hết hiệu lực từ 01/08/2023), Nghị định 34/2019/NĐ-CP (văn bản hết hiệu lực từ 01/08/2023), Nghị định 121/2003/NĐ-CP (văn bản hết hiệu lực từ 01/01/2010) và Nghị định 09/1998/NĐ-CP (văn bản hết hiệu lực từ 10/11/2003).
(3) Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định 613/QĐ-TTg năm 2008; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 206-CP năm 1979.
(4) Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 130-CP năm 1975 (văn bản hết hiệu lực từ 01/06/1993) và Quyết định 111-HĐBT năm 1981.
(5) Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 38/2010/QĐ-TTg).
(6) Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg.
(7) Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg.
(8) Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
(9) Người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 1995.
Trong đó có 07 nhóm đối tượng từ (1) - (7) nêu trên nghỉ hưởng lương hưu trước ngày 01/01/1995, sau khi điều chỉnh tăng lương hưu 15%, có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng lương hưu thêm như sau:
+ Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng;
+ Tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.
Xem thêm: Tiếp tục tăng lương hưu lần 2, lần 3 áp dụng cho tất cả đối tượng đã được tăng lương hưu 15%?
Tăng lương hưu thêm 15% cho 09 nhóm đối tượng nhưng vẫn tiếp tục tăng cho 07 nhóm đối tượng thêm bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Nhờ người khác nhận lương hưu có được không?
Căn cứ Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau::
Quyền của người lao động
1. Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
3. Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:
a) Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;
b) Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;
c) Thông qua người sử dụng lao động.
4. Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
a) Đang hưởng lương hưu;
b) Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;
c) Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;
d) Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
5. Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 của Luật này và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.
6. Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
...
Theo đó người lao động có quyền ủy quyền cho người khác nhận lương hưu thay.
Đang hưởng lương hưu thì có phải đóng bảo hiểm y tế không?
Căn cứ Điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng, cụ thể như sau:
Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng
1. Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
2. Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của Chính phủ.
3. Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
4. Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
5. Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
6. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, người đang hưởng lương hưu thuộc nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế.
Do đó, người đang hưởng lương hưu vẫn thuộc đối tượng đóng bảo hiểm y tế nhưng do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng.