Tăng lương cơ sở, giáo viên được tăng phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn lên bao nhiêu?
Lương cơ sở đang áp dụng sau tăng 30% là bao nhiêu?
Căn cứ Mục 2 Kết luận 83-KL/TW năm 2024 quy định như sau:
Về nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW
...
2.2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công)
Việc triển khai thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập nên cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện; đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để trình Trung ương xem xét, điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Từ tình hình trên và căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương khu vực công theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi. Theo đó thực hiện 7 nội dung sau:
(1) Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) kể từ ngày 01/7/2024.
...
Và căn cứ theo Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Mức lương cơ sở
1. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
a) Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
b) Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.
...
Theo đó, lương cơ sở đang áp dụng sau tăng 30% từ 1/7/2024 là 2.340.000 triệu đồng/tháng.
Tăng lương cơ sở, giáo viên được tăng phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn lên bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Tăng lương cơ sở, giáo viên được tăng phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn lên bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 07/2024/TT-BNV phụ cấp công tác của giáo viên là viên chức được tính theo lương cơ sở như sau:
Mức phụ cấp = Mức lương cơ sở x Hệ số phụ cấp hiện hưởng
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như sau:
1. Mức 0,5 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm;
2. Mức 0,7 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm;
3. Mức 1,0 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.
Theo đó, giáo viên được tăng phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sau khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng như sau:
- Đối với giáo viên có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm:
Mức phụ cấp = 2,34 triệu x 0,5 = 1,17 triệu đồng
- Đối với giáo viên có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm: Áp dụng mức 0,7.
Mức phụ cấp = 2,34 triệu x 0,7 = 1,638 triệu đồng
- Đối với giáo viên có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên: Áp dụng mức 1,0.
Mức phụ cấp = 2,34 triệu x 1,0 = 2,34 triệu đồng
Giáo viên làm việc ở đâu mới được hưởng phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn?
Căn cứ theo Điều 1 Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và cơ yếu) công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gồm: Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục.
2. Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại khoản 1 Điều này, bao gồm:
a) Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1;
b) Các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
c) Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, giáo viên làm việc ở những vùng sau được hưởng phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:
- Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1;
- Các xã khu vực 3 thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
>> Xem thêm: Tổng hợp danh mục vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đầy đủ nhất: TẠI ĐÂY