Tăng 15% mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc từ 1/7/2024 được tính như thế nào?
Tăng 15% mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc được tính như thế nào?
Căn cứ theo Điều 2 Thông tư 08/2024/TT-BNV quy định như sau:
Điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng
Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng như sau:
1. Tăng thêm 15% mức trợ cấp hằng tháng trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6 năm 2024 đối với các đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này.
Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 tính theo công thức sau:
Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 = Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6 năm 2024 x 1,15
Trong đó: Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6 năm 2024 là mức trợ cấp quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 11/2023/TT-BNV ngày 01 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn già yếu đã nghỉ việc.
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, sau khi điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều này mà có mức trợ cấp được hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau:
a) Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng trợ cấp hằng tháng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng;
b) Tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng trợ cấp hằng tháng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.
3. Căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc quy định tại Điều 1 Thông tư này, gồm: Cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân, Thư ký Hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã và các chức danh còn lại được hưởng mức trợ cấp hằng tháng là 3.500.000 đồng/tháng từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Theo đó, tăng 15% mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc được tính như sau:
Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ 1/7/2024 = Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2024 x 1,15
Trong đó: Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2024 như sau:
- Đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân, Thư ký Hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 3.000.000 đồng/tháng;
- Đối với các chức danh còn lại: 2.817.000 đồng/tháng.
Tăng 15% mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc từ 1/7/2024 được tính như thế nào? (Hình từ Internet)
Xếp lương đối với cán bộ xã như thế nào?
Căn cứ theo Điều 16 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Xếp lương đối với cán bộ, công chức cấp xã
1. Cán bộ, công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Nghị định này được thực hiện xếp lương như công chức hành chính có cùng trình độ đào tạo quy định tại bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Văn bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp bằng.
2. Trường hợp trong thời gian công tác, cán bộ, công chức cấp xã có thay đổi về trình độ đào tạo phù hợp với chức vụ, chức danh hiện đảm nhiệm thì được đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xếp lương theo trình độ đào tạo mới kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp.
3. Trường hợp người được bầu làm cán bộ cấp xã, được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức cấp xã theo quy định tại Nghị định này mà đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính để làm căn cứ xếp lương (trừ thời gian tập sự, thử việc), thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục thì được cộng dồn.
Theo đó, xếp lương đối với cán bộ xã như sau:
- Cán bộ xã tốt nghiệp trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện xếp lương như công chức hành chính có cùng trình độ đào tạo.
- Trường hợp trong thời gian công tác, cán bộ xã có thay đổi về trình độ đào tạo phù hợp với chức vụ hiện đảm nhiệm thì được đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xếp lương theo trình độ đào tạo mới kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp.
- Trường hợp người được bầu làm cán bộ xã đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính để làm căn cứ xếp lương (trừ thời gian tập sự, thử việc), thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục thì được cộng dồn.
Hiện nay, lương của cán bộ xã áp dụng mức lương cơ sở bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Mức lương cơ sở
1. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
a) Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
b) Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.
...
Theo đó, hiện nay, lương của cán bộ xã áp dụng mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.