Sức khỏe tâm thần là gì? Có khám tâm thần khi khám sức khỏe định kỳ cho người lao động không?
Sức khỏe tâm thần là gì?
Sức khỏe tâm thần (sức khỏe tinh thần) là một phần thiết yếu của sức khỏe tổng thể. Tại nơi làm việc, tình trạng căng thẳng kéo dài, áp lực về thời gian và khối lượng công việc có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như rối loạn lo âu, trầm cảm, kiệt sức (burnout) và các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe tinh thần.
Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân mà còn làm giảm năng suất lao động, tăng tỉ lệ nghỉ việc và gây tổn hại đến hoạt động của doanh nghiệp.
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Sức khỏe tâm thần là gì? Có khám tâm thần khi khám sức khỏe định kỳ cho người lao động không? (Hình từ Internet)
Có khám tâm thần khi khám sức khỏe định kỳ cho người lao động không?
Căn cứ khoản 3 Điều 36 Thông tư 32/2023/TT-BYT có quy định việc khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên được thực hiện theo nội dung trong Sổ khám sức khỏe định kỳ.
Dẫn chiếu đến các nội dung ghi trong Sổ khám sức khỏe định kỳ quy định tại Mẫu số 03 Phụ lục số XXIV ban hành kèm theo Thông tư 32/2023/TT-BYT, cụ thể như sau:
- Khám thể lực bao gồm đo chiều cao, cân nặng, huyết áp.
- Khám lâm sàng được diễn ra với các nội dung như sau:
+ Khám nội khoa bao gồm: tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thận - tiết niệu, nội tiết, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần.
+ Khám ngoại khoa, da liễu
+ Khám sản phụ khoa
+ Khám mắt: Kiểm tra thị lực hai mắt, các bệnh về mắt.
+ Khám tai - mũi - họng: Kiểm tra thính lực hai tai, thăm khám mũi, họng để phát hiện các bệnh lý liên quan.
+ Khám răng - hàm - mặt: Giúp phát hiện sớm các bệnh về răng miệng như sâu răng, hôi miệng, viêm nướu… và các bệnh vùng hàm, mặt.
- Khám cận lâm sàng bao gồm xét nghiệm máu, phân tích nước tiểu, kiểm tra tim phổi…
Theo sổ khám sức khỏe định kỳ sẽ có nội dung khám về sức khỏe tâm thần của người lao động.
Mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ: TẢI VỀ
Có được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp khi khám sức khỏe định kỳ hay không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định về khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:
Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động
1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
3. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
4. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.
5. Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
6. Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ.
Theo quy định trên, khi người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ hằng năm thì người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Đối với những đối tượng người lao động còn lại thì không cần khám phát hiện bệnh nghề nghiệp khi khám sức khỏe định kỳ.
Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.