Sử dụng lao động chưa thành niên thì có phải đóng BHXH? Sử dụng lao động chưa thành niên sao cho đúng với quy định của pháp luật?
Sử dụng lao động chưa thành niên sao cho đúng với quy định của pháp luật?
Theo Điều 144 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên
1. Lao động chưa thành niên chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách.
2. Người sử dụng lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.
3. Khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
4. Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Và quy định tại Điều 145 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc
1. Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải tuân theo quy định sau đây:
a) Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
b) Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi;
c) Phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong 06 tháng;
d) Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.
...
Lao động chưa thành niên là những người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và do chưa hoàn toàn phát triển về thể chất, cũng như tinh thần nên pháp luật lao động có những quy định riêng đối với đối tượng này.
Bên cạnh những quy định riêng trên đối với lao động chưa thành niên thì những quy định chung đối với người lao động được quy định trong pháp luật lao động các bên tham gia quan hệ lao động đều phải tuân thủ đúng.
Những người lao động chưa thành niên nên nắm rõ những quy định này để bảo đảm quyền và lợi ích của mình.
Sử dụng lao động chưa thành niên thì có phải đóng BHXH? Sử dụng lao động chưa thành niên sao cho đúng với quy định của pháp luật? (Hình từ Internet)
Người sử dụng lao động chưa thành niên thì có phải đóng BHXH hay không?
Theo khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
1. Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.
Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này.
Như vậy, thuật ngữ “người lao động” theo pháp luật lao động sẽ được hiểu bao gồm cả người lao động chưa thành niên.
Và theo Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với người lao động.
...
Như vậy, người sử dụng lao động và người lao động chưa thành niên phải tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Mức đóng BHXH đối với người lao động chưa thành niên là bao nhiêu?
Theo khoản 1 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Người lao động quy định điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.
...
Theo đó, người lao động phải đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Theo khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 như sau:
Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế
1. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế được quy định như sau:
a) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;
...
Và theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau:
Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế
1. Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của các đối tượng được quy định như sau:
a) Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
...
Theo đó, người lao động phải đóng bảo hiểm y tế hằng tháng bằng 1,5% tiền lương tháng.
Theo điểm a khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:
Mức đóng, nguồn hình thành và sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
1. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
a) Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;
...
Như vậy, khi đi làm người lao động phải đóng bảo hiểm tổng cộng là 10,5% tiền lương tháng, trong đó 8% tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất, 1.5% tiền lương tháng vào bảo hiểm y tế và 1% tiền lương tháng vào bảo hiểm thất nghiệp.