Sinh viên đi làm thêm có cần ký hợp đồng lao động?
Pháp luật có quy định về làm thêm không?
Làm thêm ở đây là làm bán thời gian, làm part time đây là một loại hình làm việc đang thịnh hành, nó có thời gian làm việc và thu nhập được giảm xuống so với một công việc làm toàn thời gian. Thông thường, nhân viên làm việc bán thời gian chỉ phải làm việc trong một số giờ cố định mỗi tuần hoặc mỗi tháng và có thể có lịch làm việc linh hoạt hơn so với nhân viên làm việc toàn thời gian.
Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về “làm bán thời gian” “làm part time”. Tuy nhiên, tại Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về làm việc không trọn thời gian như sau:
Làm việc không trọn thời gian
1. Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
2. Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.
3. Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, từ quy định trên có thể hiểu người lao động làm việc bán thời gian (part time) hay sinh viên đi làm thêm được xem như làm việc không trọn thời gian và chịu sự điều chỉnh theo quy định pháp luật đối với dạng làm việc này.
Pháp luật có quy định về sinh viên đi làm thêm (Hình từ Internet)
Sinh viên đi làm thêm có cần ký hợp đồng lao động?
Các công việc bán thời gian thường được tìm thấy trong ngành bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ khách hàng và các ngành nghề tự do. Đối với sinh viên hoặc những người đang tìm kiếm công việc để làm thêm, làm việc bán thời gian có thể là một lựa chọn tốt để có thêm thu nhập và tích lũy kinh nghiệm làm việc. Dù là làm việc không trọn nhưng khi tham gia vào quá trình “bán” sức lao động của mình một cách hợp pháp thì đều được pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp.
Điều này được thể hiện qua Khoản 2, 3 Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 đã đề cập ở trên.
Đồng thời, căn cứ Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Người sử dụng lao động vẫn phải giao kết hợp đồng với người lao động làm việc bán thời gian. Và người lao động vẫn được hưởng lương, hưởng sự bình đẳng bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Tải mẫu hợp đồng lao động làm thêm ở đâu?
Hiện tại chưa có pháp luật chưa có quy định cụ thể về biểu mẫu hợp đồng dành cho công việc bán thời gian, cho sinh viên làm thêm. Tuy nhiên, Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 có nêu rõ những nội dung trong hợp đồng lao động như sau:
Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
2. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.
3. Đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì tùy theo loại công việc mà hai bên có thể giảm một số nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động và thỏa thuận bổ sung nội dung về phương thức giải quyết trong trường hợp thực hiện hợp đồng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, thời tiết.
4. Chính phủ quy định nội dung của hợp đồng lao động đối với người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước.
5. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Như vậy, khi soạn thảo hợp đồng lao động dành cho bán thời gian, cho sinh viên làm thêm, người sử dụng lao động cần đảm bảo có đầy đủ các nội dung quy định như trên.
Ngoài ra, anh/chị có thể tham khảo thêm mẫu hợp đồng làm thêm, bán thời gian sau đây: Tải về