Sĩ quan Quân đội nhân dân mang hàm Thượng úy có độ tuổi phục vụ tại ngũ là bao nhiêu?
Thượng úy Quân đội nhân dân có hạn tuổi phục vụ tại ngũ là bao nhiêu?
Căn cứ khoản 1 Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2008 và khoản 2 Điều 1 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2014) quy định như sau:
Tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan
1. Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm:
Cấp Úy: nam 46, nữ 46;
Thiếu tá: nam 48, nữ 48;
Trung tá: nam 51, nữ 51;
Thượng tá: nam 54, nữ 54;
Đại tá: nam 57, nữ 55;
Cấp Tướng: nam 60, nữ 55.
2. Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 Điều này không quá 5 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn.
3. Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan giữ chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị quy định tại các điểm đ, e, g, h, i, k và l khoản 1 Điều 11 của Luật này do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định nhưng không vượt quá hạn tuổi cao nhất của sĩ quan quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo đó, độ tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan Quân đội được tính theo cấp bậc quân hàm, Thượng úy quân đội được phục vụ cao nhất đối với nam là 46 tuổi và nữ cũng là 46 tuổi.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp Thượng úy quân đội có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ tuy nhiên không quá 05 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn.
Sĩ quan Quân đội nhân dân mang hàm Thượng úy có độ tuổi phục vụ tại ngũ là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Thượng úy Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ được hưởng quyền lợi gì khi nghỉ hưu?
Căn cứ Điều 37 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi khoản 12 Điều 1 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2008) quy định như sau:
Quyền lợi của sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ và sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần
1. Sĩ quan nghỉ hưu được hưởng quyền lợi sau đây:
a. Lương hưu tính trên cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật này;
b. Nếu nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm tại khoản 1 Điều 13 của Luật này, do thay đổi tổ chức, biên chế hoặc hết hạn tuổi giữ chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị mà quân đội không còn nhu cầu sử dụng thì ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần theo quy định của Chính phủ;
c. Sử dụng quân phục, quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu trong những ngày lễ và những cuộc hội họp, những buổi giao lưu truyền thống của quân đội;
d. Được chính quyền địa phương nơi sĩ quan cư trú hợp pháp đăng ký hộ khẩu, tạo điều kiện để làm ăn sinh sống; trường hợp chưa có nhà ở thì được bảo đảm nhà ở hoặc đất ở theo quy định của Chính phủ;
đ. Khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế tại các cơ sở quân y và dân y.
...
5. Sĩ quan có thời gian trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc công tác ở địa bàn khó khăn, ngành nghề có tính chất đặc thù thì được quy đổi thời gian đó để tính hưởng quyền lợi khi thôi phục vụ tại ngũ.
...
Như vậy, Thượng úy quân đội khi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu, trợ cấp một lần, khám chữa bệnh tại các cơ sở quân y và dân y và hưởng các chế độ khác theo quy định trên.
Khi nào Thượng úy Quân đội nhân dân Việt Nam được phép nghỉ hưu?
Căn cứ Điều 36 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 quy định như sau:
Điều kiện nghỉ hưu của sĩ quan
Sĩ quan được nghỉ hưu khi:
1. Đủ điều kiện theo quy định bảo hiểm xã hội của Nhà nước;
2. Trong trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều này, quân đội không còn nhu cầu bố trí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng hoặc không chuyển ngành được, nếu nam sĩ quan có đủ 25 năm và nữ sĩ quan có đủ 20 năm phục vụ trong quân đội trở lên thì được nghỉ hưu.
Như vậy, theo quy định của khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 1 Điều 169 Bộ luật lao động 2019) về điều kiện nghỉ hưu của người lao động quy định:
Người lao động được nghỉ hưu khi:
Có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trở lên.
Đủ độ tuổi về hưu theo quy định (năm 2023 độ tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện bình thường của lao động nam là 60 tuổi 9 tháng, lao động nữ sẽ là 56 tuổi).
Theo đó, Thượng úy quân đội được nghỉ hưu khi làm việc trong điều kiện bình thường có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và tới độ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường.
Ngoài ra, trong trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu, nhưng quân đội không còn nhu cầu bố trí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng hoặc không chuyển ngành được, nếu nam sĩ quan có đủ 25 năm và nữ sĩ quan có đủ 20 năm phục vụ trong quân đội trở lên thì được nghỉ hưu.