Sau khi hút thai bao lâu thì có thể mang thai? Lao động nữ hút thai được nghỉ mấy ngày?
Sau khi hút thai bao lâu thì có thể mang thai?
Hút thai là thủ thuật được thực hiện nhằm chấm dứt thai kỳ bằng phương pháp bơm hút chân không. Bác sĩ thực hiện thủ thuật sẽ sử dụng một ống mỏng mềm đưa vào buồng tử cung và sử dụng bơm để hút thai ra một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể tiến hành hút thai mà thủ thuật này chỉ được áp dụng đối với những trường hợp sau:
- Tự nguyện đình chỉ thai kỳ.
- Phôi thai đã nằm trong tử cung nhưng tuổi thai không vượt quá 12 tuần.
- Thai phụ có sức khỏe ổn định, không mắc bệnh lý về máu, viêm phụ khoa hay bệnh về gan, thận, tim.
Sau hút thai tối thiểu 4-6 tháng thì mới nên mang thai lại. Nếu muốn tiếp tục sinh con thì nên chờ tối thiểu là 6 tháng đây là thời điểm lý tưởng để mang thai lại lần nữa.
Mang thai sau nạo hút thai ngay rất nguy hiểm. Các chuyên gia tư vấn cho rằng việc mang thai quá sớm sau khi phá thai, nghĩa là trong vòng ba tháng sau khi phẫu thuật, có thể nguy hiểm cho sức khỏe của người phụ nữ. Trong trường hợp phá thai nội khoa, tử cung bị làm mềm do thuốc, gây ra sự co thắt để tống thai ra ngoài sẽ gây chảy máu rất nhiều. Trường hợp phá thai bằng phẫu thuật được thực hiện thông qua nạo hút thai phải mất một thời gian để tử cung lành lại và người phụ nữ cần được chăm sóc về y tế tốt. Vì vậy, lý tưởng là phải chờ ít nhất sáu tháng sau khi phá thai nếu muốn mang thai lần nữa.
Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.
Sau khi hút thai bao lâu thì có thể mang thai? Lao động nữ hút thai được nghỉ mấy ngày?
Lao động nữ hút thai được nghỉ mấy ngày?
Căn cứ Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
1. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Theo đó, lao động nữ hút thai thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi.
- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi.
- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi.
- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
Như vậy, tùy vào số tuần tuổi của thai kì mà lao động nữ hút thai có thể được nghỉ tối đa đến 50 ngày.
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ hút thai gồm những gì?
Căn cứ Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản
1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:
a) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
b) Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;
c) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;
d) Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
đ) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật này.
2. Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, người lao động thực hiện biện pháp tránh thai theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú.
3. Trường hợp người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải có giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
4. Trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con phải có bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con và giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
5. Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập.
Theo đó, hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi lao động nữ hút thai gồm có: giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú.