Sắp tới người có công với cách mạng được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo Dự thảo khác gì so với hiện nay?
- Sắp tới người có công với cách mạng được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo Dự thảo khác gì so với hiện nay?
- Thủ tục, quy trình giải quyết chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng như thế nào?
- Người có công đồng thời là thân nhân liệt sĩ thì hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe như thế nào?
Sắp tới người có công với cách mạng được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo Dự thảo khác gì so với hiện nay?
Thực hiện Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14, Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, theo sự phân công của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 75/2021/NĐ-CP về quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 55/2023/NĐ-CP.
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14, người có công được hưởng chế độ ưu đãi điều dưỡng phục hồi sức khỏe.
Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Điều dưỡng phục hồi sức khỏe
1. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà: Mức chi bằng 0,9 lần mức chuẩn/ 01 người/01 lần và được chi trả trực tiếp cho đối tượng được hưởng.
2. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung: Mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/01 người/01 lần. Nội dung chi bao gồm:
a) Tiền ăn trong thời gian điều dưỡng;
b) Thuốc thiết yếu;
c) Quà tặng cho đối tượng;
d) Các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng (mức chi tối đa 15% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung), gồm: khăn mặt, xà phòng, bàn chải, thuốc đánh răng, tham quan, chụp ảnh, tư vấn sức khỏe, phục hồi chức năng, sách báo, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các khoản chi khác phục vụ đối tượng điều dưỡng.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 75/2021/NĐ-CP về quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 55/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ
...
3. Sửa đổi khoản 2 Điều 6 của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP như sau: “2. Điều dưỡng phục hồi sức khoẻ tập trung: Mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/01 người/01 lần. Nội dung chi bao gồm:
a) Tiền ăn trong thời gian điều dưỡng;
b) Thuốc thiết yếu:
c) Quà tặng cho đối tượng;
d) Tham quan;
đ) Các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng (mức chi tối đa 10% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khoẻ tập trung), gồm: khăn mặt, xà phòng, bàn chải, thuốc đánh răng, chụp ảnh, tư vấn sức khoẻ, phục hồi chức năng, sách báo, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao và các khoản chi khác phục vụ đối tượng điều dưỡng”.
Theo đó, dựa trên tinh thần của Nghị định 75/2021/NĐ-CP, Dự thảo sẽ quy định về những nội dung chi cho điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng.
Tuy nhiên, Dự thảo sẽ sửa đổi mức chi tối đa các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng ngoài các khoản sau: Tiền ăn trong thời gian điều dưỡng; thuốc thiết yếu: quà tặng cho đối tượng; tham quan.
Hiện nay, mức chi tối đa 15% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung cho các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng nhưng Dự thảo đã giảm mức chi này xuống còn 10%.
Theo dự kiến mức chi chế độ phục hồi điều dưỡng được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Xem thêm:
>>> Mức chuẩn trợ cấp người có công với cách mạng tăng lên bao nhiêu từ 1/7/2024?
Xem thêm Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung Nghị định 75/2021/NĐ-CP về quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP: Tại đây.
Sắp tới người có công với cách mạng được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo Dự thảo khác gì so với hiện nay? (Hình từ Internet)
Thủ tục, quy trình giải quyết chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng như thế nào?
Theo quy định tại Điều 86 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, thủ tục, quy trình giải quyết chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ tình trạng sức khỏe của đối tượng để lập danh sách người được điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà theo Mẫu số 86 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP trong quý I của năm gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
Mẫu số 86: Tại đây.
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được danh sách của Ủy ban nhân dân cấp xã, có trách nhiệm tổng hợp danh sách theo Mẫu số 86 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được danh sách tổng hợp của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, căn cứ dự toán được giao và danh sách để phê duyệt danh sách người điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà và ban hành quyết định theo Mẫu số 68 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP.
Mẫu số 68: Tại đây.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với các trường hợp đang quản lý thuộc quân đội, công an phù hợp với điều kiện thực tế. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 40 ngày kể từ ngày nhận được danh sách của cơ quan, đơn vị đề nghị.
Người có công đồng thời là thân nhân liệt sĩ thì hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe như thế nào?
Căn cứ theo Điều 84 Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Đối tượng và nguyên tắc hưởng
1. Người có công quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k khoản 1 Điều 3, khoản 1, khoản 2 Điều 38 và thân nhân liệt sĩ quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh.
2. Trường hợp người có công đồng thời là thân nhân liệt sĩ thì chỉ hưởng chế độ mức cao nhất của một đối tượng.
Như vậy, người có công đồng thời là thân nhân liệt sĩ thì hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe mức cao nhất của một đối tượng.