Rằm tháng 10 âm lịch là Tết gì? Rằm tháng 10 âm lịch là ngày bao nhiêu dương lịch? Vào ngày Tết này thì người lao động có được nghỉ làm không?
Rằm tháng 10 Âm lịch là Tết gì? Rằm tháng 10 âm lịch là ngày bao nhiêu dương lịch?
Rằm tháng 10 hay còn gọi là 15 tháng 10 Âm lịch hằng năm là ngày Tết Hạ Nguyên.
Tết Hạ Nguyên hay còn gọi là Lễ mừng lúa mới, đây là dịp lễ truyền thống của các dân tộc Việt Nam.
Tết Hạ Nguyên bắt nguồn từ xa xưa, sau mỗi vụ gặt lúa vào tháng Tám, công việc đồng áng trở nên nhàn rỗi hơn. Khi đó, lúa mới và rơm mới đều đã đầy đủ, người dân thường nghĩ đến ơn nghĩa của thiên nhiên, với mưa gió thuận hòa và không có lũ lụt gây hại cho mùa màng.
Vì vậy vào ngày Rằm tháng 10 Âm lịch, các gia đình thường háo hức chuẩn bị những món ăn truyền thống từ những sản vật thu hoạch trong năm để dâng cúng Thổ Thần, tổ tiên và các đấng bề trên. Theo thời gian, Tết Hạ Nguyên đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt.
Thông tin mang tính chất tham khảo.
Năm 2024, Rằm tháng 10 Âm lịch rơi vào thứ 6, ngày 15/11 Dương lịch.
>> Ngày 14 tháng 10 là ngày gì? Ngày 14 tháng 10 có ý nghĩa như thế nào đối với đất nước Việt Nam
Rằm tháng 10 âm lịch là Tết gì? Rằm tháng 10 âm lịch là ngày bao nhiêu dương lịch? Vào ngày Tết này thì người lao động có được nghỉ làm không? (Hình từ Internet)
Vào ngày Tết Hạ Nguyên thì người lao động có được nghỉ làm không?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo đó, các ngày nghỉ lễ, tết mà người lao động được hưởng nguyên lương gồm có:
- Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch).
- Tết Âm lịch: 05 ngày.
- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch).
- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch.
- Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau).
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Như vậy có thể thấy, Tết Hạ Nguyên không nằm trong danh sách những ngày nghỉ lễ do Nhà nước quy định. Chính vì thế, vào ngày Tết Hạ Nguyên, người lao động sẽ không được nghỉ lễ hưởng nguyên lương.
Tuy nhiên, căn cứ Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ hằng tuần như sau:
Nghỉ hằng tuần
1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Theo đó, nếu ngày Tết Hạ Nguyên rơi vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ vào ngày này.
Bên cạnh đó, người lao động nếu có nhu cầu nghỉ vào ngày Tết Hạ Nguyên thì có thể làm đơn xin nghỉ hưởng lương hoặc nghỉ không hưởng lương.
Nếu làm việc vào các ngày nghỉ lễ thì người lao động được nhận mức lương thế nào?
Căn cứ Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, theo quy định trên, người lao động đi làm dịp lễ thì được hưởng mức lương như sau:
- Làm việc vào ban ngày: Nhận ít nhất 400% lương.
- Làm việc vào ban đêm: Nhận ít nhất 490% lương.
Lưu ý: Người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết (theo khoản 3 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).