Quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc công chức hợp pháp là như thế nào?
Quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc công chức hợp pháp là như thế nào?
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 112/2020/NĐ-CP như sau:
Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này;
3. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
4. Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền;
5. Ngoài quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này, hình thức kỷ luật buộc thôi việc còn được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này.
Theo đó, nếu công chức có các hành vi vi phạm như trên sẽ có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.
Trình tự, thủ tục ban hành quyết định kỷ luật công chức theo quy định tại Điều 30 Nghị định 112/2020/NĐ-CP như sau:
Quyết định kỷ luật công chức
1. Trình tự ra quyết định kỷ luật
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải có kiến nghị việc xử lý kỷ luật bằng văn bản (kèm theo biên bản họp Hội đồng kỷ luật và hồ sơ xử lý kỷ luật) gửi cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật.
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng kỷ luật trong trường hợp thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc biên bản cuộc họp kiểm điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc văn bản đề xuất của cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ của cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận công chức không vi phạm.
c) Trường hợp vi phạm của công chức có tình tiết phức tạp thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
2. Trường hợp công chức có hành vi vi phạm bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
...
Như vậy, quyết định kỷ luật buộc thôi việc hợp pháp là quyết định kỷ luật được ban hành theo đúng đối tượng, hành vi vi phạm và đúng theo trình tự, thủ tục của pháp luật.
Quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc hợp pháp là như thế nào?
(Hình từ Internet)
Công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc có được hưởng trợ cấp thôi việc?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Nghị định 112/2020/NĐ-CP như sau:
Các quy định liên quan sau khi có quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức
...
2. Công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc
a) Công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc thì không được hưởng chế độ thôi việc nhưng được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian làm việc đã đóng bảo hiểm xã hội để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
b) Cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức lưu giữ hồ sơ công chức bị kỷ luật buộc thôi việc có trách nhiệm cung cấp bản tóm tắt lý lịch và nhận xét (có xác nhận) khi công chức đó yêu cầu.
c) Sau 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật buộc thôi việc có hiệu lực, công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc được quyền đăng ký dự tuyển vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước. Trường hợp bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc do tham nhũng, tham ô hoặc vi phạm đạo đức công vụ thì không được đăng ký dự tuyển vào các cơ quan hoặc vị trí công tác có liên quan đến nhiệm vụ, công vụ đã đảm nhiệm.
...
Như vậy, nếu công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc.
Quyết định kỷ luật buộc thôi việc được thi hành từ khi nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Nghị định 112/2020/NĐ-CP như sau:
Quyết định kỷ luật công chức
...
3. Quyết định kỷ luật phải ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành.
4. Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Trong thời gian này, nếu công chức không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.
Trường hợp công chức tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật thì xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này. Quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực. Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ công chức. Hình thức kỷ luật phải ghi vào lý lịch của công chức.
Như vậy, quyết định kỷ luật buộc thôi việc được thi hành kể từ ngày có hiệu lực thi hành được ghi trong quyết định kỷ luật buộc thôi việc đó.