Quy định về số tiết dạy của giáo viên kiêm nhiệm tổng phụ trách đội tại trường tiểu học?
Giáo viên kiêm nhiệm Tổng phụ trách đội phải đáp ứng những tiêu chuẩn nào?
Căn cứ quy định tại Điều 2 Thông tư 27/2017/TT-BGDDT, tiêu chuẩn của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội được quy định như sau:
Tiêu chuẩn của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội
1. Giáo viên được chọn để cử làm Tổng phụ trách Đội phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:
a) Đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên đang giữ (tiêu chuẩn đối với giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập; tiêu chuẩn đối với giáo viên trung học cơ sở quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở công lập).
b) Đã được đào tạo nghiệp vụ công tác Đội cùng chuyên ngành giảng dạy hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác Đội.
c) Có năng lực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nhà trường để tổ chức các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi.
Ưu tiên chọn giáo viên có khả năng về âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thể thao, thuyết trình, tổ chức sự kiện, truyền thông để giúp nhà trường tổ chức tốt các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi.
Quy định về số tiết dạy của giáo viên kiêm nhiệm tổng phụ trách đội? (Hình từ Internet)
Quy định về số tiết dạy của giáo viên kiêm nhiệm Tổng phụ trách đội tại trường tiểu học?
Căn cứ Điều 6 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, được bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định định mức tiết dạy như sau:
Định mức tiết dạy
Định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau:
1. Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết;
2. Định mức tiết dạy của giáo viên trường dự bị đại học là 12 tiết
Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết ở cấp trung học phổ thông;
Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp trung học cơ sở;
Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở.
3. Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng I dạy 2 tiết một tuần, trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy, trường hạng III dạy 1/2 định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp học. Việc phân hạng các trường phổ thông theo quy định hiện hành.
Theo đó, định mức số tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, đối với giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy.
Như vậy, bạn đang là giáo viên dạy ở trường tiểu học hạng II thì bạn sẽ dạy khoảng 8 tiết/tuần.
Trường hợp không giảm số tiết dạy thì tiền lương của giáo viên kiêm nhiệm tổng phụ trách đội được tính như thế nào?
Nếu không được giảm tiết dạy thì số tiết đó sẽ được tính là thời gian dạy thêm giờ. Tiền lương dạy thêm giờ được quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC như sau:
Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = Số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 01 giờ dạy thêm;
Tiền lương 01 giờ dạy thêm = Tiền lương 01 giờ dạy x 150%;
Tiền lương 01 giờ dạy:
Đối với nhà giáo làm công tác quản lý hoặc được phân công làm nhiệm vụ tổng phụ trách Đội, cán bộ Đoàn, Hội ở cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở dạy nghề được tính theo công thức sau:
Tiền lương 01 giờ dạy = [Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học / (Định mức giờ dạy/năm)] x (Số tuần dành cho giảng dạy trẻ / 52 tuần)
Trong đó định mức giờ dạy/năm là định mức giờ dạy/năm của giáo viên cùng bậc học, cấp học, bộ môn của cơ sở giáo dục đó;
Số giờ dạy thêm/năm học = [Số giờ dạy thực tế/năm học + Số giờ dạy quy đổi/năm học (nếu có) + Số giờ dạy tính thêm/năm học (nếu có) + Số giờ dạy được giảm theo chế độ/năm học (nếu có)] - (Định mức giờ dạy/năm).
Trong đó: Theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC
Cách tính tiền lương dạy thêm giờ
1. Công thức tính tiền lương dạy thêm giờ:
...
– Số giờ dạy quy đổi/năm học được thực hiện theo Khoản 3 Điều 5 của Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT; Điều 11 Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT; Khoản 4 Mục II và Khoản 4 Mục III Thông tư số 09/2008/TT-BLĐTBXH; Điều 12 Quyết định số 18/2007/QĐ-BGDĐT; Khoản 2 Điều 11 và Điểm d Khoản 3 Điều 13 Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT; Khoản 3 Khoản 4 Điều 10 và Khoản 2, Khoản 3 Điều 11 Thông tư liên tịch số 06/2011/TTLT-BNV-BGDĐT;
– Số giờ dạy tính thêm/năm học được áp dụng đối với giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật học hòa nhập được quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT;
– Số giờ dạy được giảm theo chế độ/năm học được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT; Điều 8, Điều 9, Điều 10 Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT; Điều 9, Điều 10, Điều 11 Quyết định số 18/2007/QĐ-BGDĐT; Khoản 6 Mục II và Khoản 4 Mục III Thông tư số 09/2008/TT-BLĐTBXH; Khoản 3, Khoản 4 Điều 12 Thông tư liên tịch số 06/2011/TTLT-BNV-BGDĐT;
Định mức giờ dạy/năm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (gọi tắt là Tổng phụ trách); giáo viên là cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (gọi tắt là cán bộ Đoàn, Hội) ở cơ sở giáo dục phổ thông = (Định mức tiết dạy/tuần của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; giáo viên làm Tổng phụ trách; cán bộ Đoàn, Hội) x (Số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục/năm học);