Phúc lợi là gì? Các phúc lợi về BHXH mà người lao động được hưởng là gì?
Phúc lợi là gì?
Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể giải thích về thuật ngữ "phúc lợi". Tuy nhiên trong đời sống xã hội, phúc lợi được hiểu là các quyền lợi mà người lao động nhận được ngoài tiền lương cơ bản. Các phúc lợi này có thể bao gồm:
- Bảo hiểm y tế: Đảm bảo chi phí khám chữa bệnh.
- Bảo hiểm xã hội: Hỗ trợ khi nghỉ hưu, ốm đau, thai sản.
- Bảo hiểm thất nghiệp: Hỗ trợ tài chính khi mất việc.
- Chế độ nghỉ phép: Nghỉ phép hàng năm, nghỉ ốm, nghỉ thai sản.
- Phúc lợi về sức khỏe: Khám sức khỏe định kỳ, chương trình chăm sóc sức khỏe.
- Phúc lợi giáo dục: Học bổng, hỗ trợ học phí cho con cái nhân viên.
- Phúc lợi tài chính: Thưởng, quyền chọn mua cổ phiếu, hỗ trợ vay vốn.
Phúc lợi giúp cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, đồng thời tạo động lực và gắn kết họ với doanh nghiệp.
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Phúc lợi là gì? Các phúc lợi về BHXH mà người lao động được hưởng là gì?
Các phúc lợi bắt buộc mà người lao động được hưởng là gì?
Căn cứ theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về các phúc lợi bắt buộc đối với người lao động như sau:
Các chế độ bảo hiểm xã hội
1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
a) Ốm đau;
b) Thai sản;
c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Hưu trí;
đ) Tử tuất.
2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất.
3. Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.
Như vậy, khi NLĐ tham gia BHXH sẽ được hưởng phúc lợi bắt buộc bao gồm 5 chế độ bảo hiểm xã hội dành như sau:
- Ốm đau;
- Thai sản;
- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Hưu trí;
- Tử tuất.
Ngoài ra, còn có một số phúc lợi khác mà người lao động có thể được hưởng như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,...
Người lao động có được kiểm tra việc sử dụng quỹ phúc lợi do mình đóng góp hay không?
Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 46 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Nội dung, hình thức người lao động được kiểm tra, giám sát
1. Người lao động được kiểm tra, giám sát những nội dung sau:
a) Việc thực hiện hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể;
b) Việc thực hiện nội quy lao động, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động;
c) Việc sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp;
d) Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động;
đ) Việc thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.
2. Hình thức kiểm tra, giám sát của người lao động thực hiện theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người lao động được phép kiểm tra việc sử dụng quỹ phúc lợi do mình đóng góp.
Quỹ phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động bao gồm những khoản nào?
Tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 218/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 91/2014/NĐ-CP có quy định như sau:
Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
4. Sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 9 như sau:
...
- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động mà doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ theo quy định như: Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con cái của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế.
Đồng thời, tại điểm 2.30 khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC), và tiếp tục được sửa đổi tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC có quy định như sau:
Sửa đổi, bổ sung tiết e điểm 2.2, tiết b điểm 2.6, điểm 2.11 và điểm 2.30 Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính) như sau:
...
4. Sửa đổi đoạn thứ nhất của gạch đầu dòng thứ năm tại điểm 2.30, Khoản 2, Điều 6 của Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC):
- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ Điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ Khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những Khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Như vậy, quỹ phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động bao gồm những khoản sau đây:
- Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động;
- Chi nghỉ mát, chi hỗ trợ Điều trị;
- Chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo;
- Chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau;
- Chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập;
- Chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động;
- Chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ Khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động)
- Những khoản chi có tính chất phúc lợi khác.