Phụ lục hợp đồng lao động có giá trị pháp lý như thế nào?
Phụ lục hợp đồng lao động có giá trị pháp lý như thế nào?
Tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật Lao động 2019 quy định về phụ lục hợp đồng lao động như sau:
Phụ lục hợp đồng lao động
1. Phụ lục hợp đồng lao động là bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.
...
Theo đó, phụ lục hợp đồng cũng là phần của hợp đồng và có giá trị pháp lý tương đương với hợp đồng.
Đây là một bộ phận của hợp đồng và thường được sử dụng cho mục đích trong quá trình làm việc giữa người lao động và người sử dụng lao động có những thỏa thuận mới đối với công việc đang làm.
Nội dung của phụ lục hợp đồng lao động không được trái với nội dung của hợp đồng lao động.
Phụ lục hợp đồng lao động có giá trị pháp lý như thế nào? (Hình từ Internet)
Có được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng hay không?
Cũng theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động 2019, phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Điều này thể hiện mặc dù phụ lục hợp đồng có giá trị và nội dung có thể để hướng dẫn, bổ sung những điều khoản trong hợp đồng. Tuy nhiên đối với điều khoản quy định về thời hạn của hợp đồng thì không được sửa đổi.
Bắt buộc trong trường hợp này người lao động và người sử dụng lao động muốn kéo dài thời gian lao động hơn so với hợp đồng gốc đã ký trước đó thì chỉ có thể giao kết với nhau một hợp đồng có thời hạn khác. Điều này đảm bảo quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động và bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Do đó, nếu người sử dụng lao động sử dụng phụ lục hợp đồng để sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Mức phạt đối với hành vi sử dụng phụ lục hợp đồng để sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động là bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động cụ thể như sau:
Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
...
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Sửa đổi thời hạn của hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động; không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền cho người lao động theo quy định của pháp luật khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; ... theo một trong các mức sau đây:
- Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định:
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, theo quy định trên, nếu người sử dụng lao động có hành vi sửa đổi thời hạn của hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức thức phạt tiền, mức phạt cụ thể sẽ căn cứ vào số lượng người lao động mà người sử dụng lao động vi phạm với mức phạt tối đa lên tới 20.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.