Phụ cấp độc hại đối với người lao động được quy định như thế nào?
Phụ cấp độc hại là gì? Các ngành nghề được hưởng phụ cấp độc hại?
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có điều luật hay văn bản nào có quy định về khái niệm phụ cấp độc hại.
Dựa trên những quy định về đối tượng, điều kiện hưởng phụ cấp độc hại mà ta có thể hiểu ngắn gọn phụ cấp độc hại như sau: Phụ cấp độc hại được hiểu là khoản phụ cấp mà người sử dụng lao động dành cho người lao động nhằm bù đắp một phần tổn hại về sức khỏe, tinh thần, thậm chí là sự suy giảm khả năng lao động.
Đây là khoản phụ cấp áp dụng đối với người lao động làm công việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại, và tùy thuộc vào từng đối tượng lao động và từng công việc khác nhau mà khoản phụ cấp sẽ khác nhau.
Việc xác định người lao động có thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không thì chúng ta căn cứ vào Danh mục nghề công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm mới nhất được quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH, bao gồm các nghề sau:
- Khai thác khoáng sản; Cơ khí, luyện kim; Hoá chất; Vận tải; Xây dựng giao thông và kho tàng bến bãi;
- Điện; Thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông; Sản xuất xi măng; Sành sứa, thuỷ tinh, nhựa tạp phẩm, giấy, gỗ; Da giày, dệt may;
- Nông nghiệp và lâm nghiệp (bao gồm trồng trọt, khai thác, chế biến nông, lâm sản, chăn nuối - chế biến gia súc, gia cầm); Thương mại; Phát thanh, truyền hình; Dự trữ quốc gia;
- Y tế và dược; Thuỷ lợi; Cơ yếu; Địa chất; Xây dựng (xây lấp); Vệ sinh môi trường; Sản xuất gạch, gốm, sứ, đá, cát, sỏi, kinh xây dựng, vật liệu xây dựng; Sản xuất thuốc lá;
- Địa chính; Khí tượng thuỷ văn; Khoa học công nghệ; Hàng không; Sản xuất, chế biến muối ăn; Thể dục - Thể thao, văn hoá thông tin; Thương binh và xã hội; Bánh kẹo, bia, rượu, nước giải khát;
- Du lịch; Ngân hàng; Sản xuất giấy; Thuỷ sản; Dầu khí; Chế biến thực phẩm; Giáo dục - đào tạo; Hải quan; Sản xuất ô tô xe máy.
Trong Danh mục trên sẽ quy định chi tiết các công việc trong từng ngành nghề và đặc điểm điều kiện lao động của nghề, công việc. Các đặc điểm điều kiện lao động này được chia thành các điều kiện lao động loại 6, loại 5 và loại 4.
Phụ cấp độc hại đối với người lao động được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Phụ cấp độc hại đối với cán bộ, công chức, viên chức được quy định như thế nào?
Căn cứ Mục II Thông tư 07/2005/TT-BNV, những khoản tiền phụ cấp độc hạI được chia thành 4 cấp dành cho cán bộ, công chức, viên chức. Mỗi cấp sẽ tương ứng với mức lương cơ sở của thời điểm làm việc hiện tại.
Nếu tính lương cơ sở của cán bộ công chức viên chức trong thời điểm hiện tại. Mức lương cơ sở của cán bộ công chức viên chức đang ở mức 1,49 triệu đồng/tháng. Như vậy, dựa vào mức lương cơ sở của mình, người lao động có thể tự tính mức phụ cấp như sau:
Đối với mức 01, tương đương với hệ số 0,1 sẽ bằng 149.000 đồng/tháng
Đối với mức 02, tương đương với hệ số 0,2 sẽ bằng 298.000 đồng/tháng
Đối với mức 03, tương đương với hệ số 0,3 sẽ bằng 447.000 đồng/tháng
Đối với mức 04, tương đương với hệ số 0,4 sẽ bằng 596.000 đồng/tháng
Khoản phụ cấp này sẽ được tính dựa trên khoảng thời gian thực tế mà người lao động làm việc. Địa điểm làm việc là những nơi có điều kiện độc hại hoặc vô cùng độc hại. Mức phụ cấp này sẽ được người sử dụng lao động trả theo cùng kỳ lương hàng tháng.
Đối với đối tượng cán bộ công chức viên chức thì cách tính để chi trả phụ cấp độc hại sẽ được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Nếu làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày làm việc.
Mức phụ cấp nặng nhọc, độc hại đối với nhà giáo được quy định như thế nào?
Theo Nghị định 113/2015/NĐ-CP, nếu giáo viên dạy thực hành có một trong các yếu tố được quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này và thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì sẽ được hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Mức phụ cấp được quy định như sau: Mức phụ cấp được tính theo mức lương cơ sở, gồm các mức sau:
+ Mức 0,1 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 113/2015/NĐ-CP.
+ Mức 0,2 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có hai trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 113/2015/NĐ-CP.
+ Mức 0,3 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có ba trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 113/2015/NĐ-CP.
+ Mức 0,4 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có bốn trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 113/2015/NĐ-CP.
Phụ cấp độc hại với những người lao động khác được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về chế độ nâng lương, phụ cấp và trợ cấp như sau:
Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp
Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.
Như vậy, đối với chế độ phụ cấp độc hại sẽ được bên người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng hoặc thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của người sử dụng lao động.
Để hạn chế việc đơn vị sử dụng lao động chi trả phụ cấp độc hại cho người lao động thấp, không tương xứng với sức lao động mà người lao động bỏ ra nên nhà làm luật cũng có những quy định nhằm khắc phục điểm yếu này.