Phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động như thế nào theo Quyết định 1861?
Phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động như thế nào theo Quyết định 1861?
Theo khoản 1 Mục 2 Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định 1861/QĐ-BLĐTBXH năm 2024 thì thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động như sau:
- Thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 1008-KH/BCSĐ năm 2020 của Ban cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới và Quyết định 534/QĐ-LĐTBXH năm 2020 ban hành Kế hoạch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Quyết định 416/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Hướng dẫn, hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể ở doanh nghiệp, cấp ngành và nhóm doanh nghiệp để xây dựng môi trường ổn định trong quan hệ lao động.
- Hướng dẫn, đôn đốc theo dõi, cập nhật, đối chiếu, báo cáo về tranh chấp lao động, đình công; đề xuất, hỗ trợ triển khai các biện pháp xử lý vụ việc phát sinh, sớm ổn định tình hình.
- Đôn đốc, hỗ trợ các địa phương xây dựng, triển khai Đề án phát triển quan hệ lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 109/2023/QH15 ngày 19/11/2023 của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 41/TTg-QHĐP năm 2024.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động, đình công (hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động), thúc đẩy giải quyết tranh chấp lao động, đình công theo đúng quy định.
Phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động như thế nào theo Quyết định 1861? (Hình từ Internet)
Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích không?
Theo Điều 195 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
1. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:
a) Hòa giải viên lao động;
b) Hội đồng trọng tài lao động.
2. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công.
Theo đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thuộc về hòa giải viên lao động và Hội đồng trọng tài lao động.
Như vậy, Tòa án không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Được tiến hành đình công khi Hội đồng trọng tài lao động đang giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích không?
Theo Điều 197 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động
1. Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
4. Khi các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Điều này thì tổ chức đại diện người lao động không được tiến hành đình công trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp.
Khi hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà Ban trọng tài không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công.
Theo đó trong khi Hội đồng trọng tài lao động đang giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thì tổ chức đại diện người lao động không được tiến hành đình công.