Phải có thời gian công tác thực tế bao lâu mới có thể cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế?
- Phải có thời gian công tác thực tế bao lâu mới có thể cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế?
- Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế được dùng để làm gì?
- Thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế bao nhiêu điểm thì đạt yêu cầu?
- Đối tượng nào được miễn thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế?
Phải có thời gian công tác thực tế bao lâu mới có thể cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế?
Căn cứ theo Điều 105 Luật Quản lý thuế 2019 có quy định về điều kiện như sau:
Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế
1. Người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế phải có các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có trình độ từ đại học trở lên thuộc chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
c) Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế từ 36 tháng trở lên sau khi tốt nghiệp đại học;
d) Đạt kết quả kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.
Kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế gồm môn pháp luật về thuế và môn kế toán.
2. Người có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc chứng chỉ kế toán viên do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định thì được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế mà không phải tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.
Bên cạnh đó, Điều 12 Thông tư 10/2021/TT-BTC có hướng dẫn thêm về việc cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế như sau:
Cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế
1. Cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế cho người dự thi có hai môn thi đạt yêu cầu.
a) Căn cứ vào kết quả thi được duyệt, Tổng cục Thuế cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế cho người dự thi có hai môn thi đạt yêu cầu.
b) Người dự thi không phải nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế đối với trường hợp có 2 môn thi đạt yêu cầu.
Như vậy, cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế khi đạt được các tiêu chuẩn về trình độ, năng lực hành vi dân sự, thời gian công tác từ 36 tháng trở lên và có kết quả thi cấp chứng chỉ đạt yêu cầu theo quy định.
Phải có thời gian công tác thực tế bao lâu mới có thể cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế?
Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế được dùng để làm gì?
Căn cứ theo Điều 102 Luật Quản lý thuế 2019 có quy định như sau:
Điều kiện cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế
1. Là doanh nghiệp đã được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Có ít nhất 02 người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, làm việc toàn thời gian tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 105 Luật Quản lý thuế 2019 có quy định như sau:
Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế
...
3. Người có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế làm việc tại đại lý thuế gọi là nhân viên đại lý thuế. Nhân viên đại lý thuế phải tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức.
Như vậy, chứng chỉ hành nghề dịch vụ là điều kiện để nhân viên đại lý thuế được phép hoạt động. Bên cạnh đó điều kiện để doanh nghiệp hoạt động dịch vụ làm thủ tục về thuế là cần có ít nhất 02 người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, làm việc toàn thời gian tại doanh nghiệp.
Thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế bao nhiêu điểm thì đạt yêu cầu?
Căn cứ theo Điều 10 Thông tư 10/2021/TT-BTC quy định về kết quả thi như sau:
Kết quả thi
1. Môn thi đạt yêu cầu: Là môn thi đạt từ 50 điểm trở lên theo thang điểm 100 hoặc đạt từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10.
2. Phúc khảo kết quả thi: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố kết quả thi, người dự thi có quyền làm đơn đề nghị phúc khảo bài thi gửi Hội đồng thi.
3. Kết quả thi, kết quả phúc khảo được công bố theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 8 Thông tư này.
4. Bảo lưu kết quả thi: các môn thi đạt yêu cầu được bảo lưu 36 tháng tính từ tháng công bố kết quả thi, kết quả phúc khảo.
Như vậy, cá nhân thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế đạt yêu cầu khi: môn thi đạt từ 50 điểm trở lên theo thang điểm 100 hoặc đạt từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10.
Đối tượng nào được miễn thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế?
Căn cứ theo Điều 11 Thông tư 10/2021/TT-BTC có quy định về các trường hợp miễn môn thi như sau:
Miễn môn thi
1. Miễn môn thi pháp luật về thuế đối với người dự thi đã có thời gian làm việc trong ngành thuế nếu đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có thời gian 60 tháng liên tục tính đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc, giữ ngạch chuyên viên, kiểm tra viên thuế, chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III) và có thời gian làm công tác quản lý thuế hoặc giảng dạy nghiệp vụ thuế tối thiểu 36 tháng (được tính cộng dồn trong 05 năm làm việc đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc);
b) Không bị kỷ luật hành chính trong thi hành công vụ từ hình thức khiển trách trở lên trong thời gian 24 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc;
c) Đăng ký xét miễn môn thi trong thời gian 36 tháng kể từ tháng nghỉ hưu, nghỉ việc.
2. Miễn môn thi kế toán đối với người dự thi nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a) Người đã tốt nghiệp đại học, sau đại học thuộc ngành, chuyên ngành kế toán, kiểm toán và có thời gian làm kế toán, kiểm toán 60 tháng liên tục trở lên tính đến thời điểm đăng ký xét miễn môn thi. Thời gian làm kế toán, kiểm toán được tính sau khi tốt nghiệp đại học, sau đại học thuộc ngành, chuyên ngành kế toán, kiểm toán đến thời điểm đăng ký xét miễn môn thi.
b) Người đã đạt yêu cầu môn thi kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao và còn trong thời gian bảo lưu tại kỳ thi cấp chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên do Bộ Tài chính tổ chức.
3. Miễn môn thi pháp luật về thuế và môn thi kế toán đối với người đáp ứng một trong các trường hợp tại điểm a hoặc điểm b dưới đây:
a) Người có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc chứng chỉ kế toán viên do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định.
b) Người đã có thời gian làm việc trong ngành thuế tối thiểu 10 năm liên tục tính đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc, đáp ứng các điều kiện sau:
b1) Đã giữ ngạch chuyên viên, kiểm tra viên thuế, chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III) tối thiểu 10 năm hoặc có ngạch chuyên viên chính, kiểm tra viên chính, chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) trở lên và có thời gian làm công tác quản lý thuế hoặc giảng dạy nghiệp vụ thuế tối thiểu 60 tháng (được tính cộng dồn trong 10 năm làm việc đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc);
b2) Không bị kỷ luật hành chính trong thi hành công vụ từ hình thức khiển trách trở lên trong thời gian 24 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc.
b3) Đăng ký xét miễn môn thi trong thời gian 36 tháng kể từ tháng nghỉ hưu, nghỉ việc.
4. Tổng cục Thuế xây dựng danh mục vị trí việc làm về công tác quản lý thuế, công tác giảng dạy nghiệp vụ thuế đối với người làm việc trong ngành thuế được miễn môn thi theo quy định tại điểm a khoản 1 và điểm b khoản 3 Điều này.
Như vậy, người dự thi sẽ được miễn môn thi pháp luật về thuế, kế toán hay miễn môn thi pháp luật về thuế và môn thi kế toán nếu thuộc vào từng trường hợp theo quy định nêu trên.