Những yêu cầu an toàn khi sử dụng máy vận thăng theo Quy chuẩn kỹ thuật?
Những yêu cầu an toàn khi sử dụng máy vận thăng theo Quy chuẩn kỹ thuật?
Căn cứ tiểu mục 3.7.4 Mục 3 Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16: 2013/BLĐTBXH quy định như sau:
Quy định trong quản lý an toàn lao động máy vận thăng
...
3.7. Quản lý sử dụng an toàn máy vận thăng
...
3.7.4. Những yêu cầu an toàn khi sử dụng máy vận thăng:
3.7.4.1. Chỉ sử dụng máy vận thăng có tình trạng kỹ thuật tốt, đã được kiểm định kỹ thuật an toàn theo quy định. Trong quá trình sử dụng, nếu phát hiện máy vận thăng không đảm bảo an toàn thì đơn vị sử dụng có quyền đưa ra yêu cầu kiểm định trước thời hạn.
3.7.4.2. Trường hợp mất điện hoặc đang sửa chữa phải treo biển thông báo tạm ngừng hoạt động ở các tầng dừng và cắt cầu giao điện vào máy vận thăng.
3.7.4.3. Mỗi máy vận thăng phải có sổ theo dõi bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, thay thế các bộ phận đủ nội dung hạng mục công việc theo quy định.
3.7.4.4. Bố trí máy vận thăng làm việc theo đúng đặc tính kỹ thuật và trọng tải mà nhà chế tạo đã quy định (hoặc trọng tải do đơn vị quản lý sử dụng mới quy định lại sau khi cải tạo, sửa chữa...).
3.7.4.5. Phải có các biện pháp an toàn để đảm bảo an toàn cho người, vật tư, thiết bị và công trình trong khu vực hoạt động của máy vận thăng.
3.7.4.6. Tổ chức khắc phục kịp thời các hư hỏng đã được phát hiện.
3.7.4.7. Mỗi máy vận thăng phải có sổ giao ca. Trong đó có ghi lại kết quả kiểm tra đầu ca và tình trạng an toàn của máy vận thăng trong suốt quá trình làm việc. Người giao ca và nhận ca cùng phải ký vào sổ giao ca.
3.7.4.8. Trước khi cho máy vận thăng hoạt động, phải kiểm tra không gian làm việc của lòng nâng xem có vật gì cản trở không để kịp thời loại bỏ và phải đảm bảo chắc chắn là tất cả các cửa hàng rào bảo vệ, lồng nâng, cửa nóc lồng phải được đóng kín và chắc chắn.
3.7.4.9. Phải có các biện pháp cụ thể ngăn không cho những người không có trách nhiệm tự ý vào các vị trí sau:
- Buồng kỹ thuật;
- Hố thang;
- Đứng trên nóc lồng vận thăng;
- Dùng chìa khóa mở các cửa tầng;
- Tủ cầu giao cấp điện, hộp cầu chì.
Chìa khóa các vị trí nói trên do người chịu trách nhiệm quản lý về sự hoạt động an toàn của máy vận thăng giữ, chìa thứ hai được bàn giao luân phiên cho người trực vận hành.
3.7.4.10. Khi vận chuyển loại hàng có khả năng gây cháy, nổ hoặc độc hại phải có biện pháp phòng ngừa đặc biệt.
3.7.4.11. Sau khi hết ca làm việc, máy vận thăng phải được đưa về vị trí trạm dừng trên mặt đất.
...
Theo đó, khi sử dụng máy vận thăng phải đáp ứng những quy định an toàn lao động như trên.
Những yêu cầu an toàn khi sử dụng máy vận thăng theo Quy chuẩn kỹ thuật? (Hình từ Internet)
Chu kỳ kiểm định định kỳ đối với máy vận thăng là bao lâu?
Căn cứ tiểu mục 4.2 Mục 4 Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16: 2013/BLĐTBXH quy định như sau:
Quy định về kỹ thuật
...
4. Kiểm định kỹ thuật an toàn trong sử dụng máy vận thăng
4.1. Máy vận thăng trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định lần đầu, kiểm định định kỳ và kiểm định bất thường theo quy định.
Việc kiểm định kỹ thuật an toàn máy vận thăng phải do tổ chức đánh giá sự phù hợp đã được Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định.
4.2. Chu kỳ kiểm định định kỳ đối với máy vận thăng:
4.2.1. Chu kỳ kiểm định đối với máy vận thăng là 2 năm một lần.
4.2.2. Chu kỳ kiểm định trên có thể được rút ngắn nhưng phải nêu rõ lý do trong biên bản kiểm định.
4.2.3. Khi thay đổi vị trí lắp đặt, máy vận thăng phải được kiểm định lại.
4.3. Các máy vận thăng sau khi kiểm định đạt yêu cầu phải được dán tem kiểm định theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo đó, Chu kỳ kiểm định định kỳ đối với máy vận thăng như sau:
- Chu kỳ kiểm định đối với máy vận thăng là 2 năm một lần.
- Chu kỳ kiểm định trên có thể được rút ngắn nhưng phải nêu rõ lý do trong biên bản kiểm định.
- Khi thay đổi vị trí lắp đặt, máy vận thăng phải được kiểm định lại.
Hồ sơ kỹ thuật của máy vận thăng bao gồm những gì?
Căn cứ tiểu mục 3.1 Mục 3 Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16: 2013/BLĐTBXH quy định hồ sơ kỹ thuật của máy vận thăng bao gồm:
- Bản thuyết minh chung phải thể hiện được các yêu cầu sau:
+ Tên và địa chỉ của nhà sản xuất;
+ Kiểu mẫu, mã hiệu, năm sản xuất;
+ Số tầng hoạt động;
+ Tải trọng nâng, số người làm việc cho phép;
+ Bản vẽ sơ đồ cấu tạo và nguyên lý hoạt động, các kích thước của thiết bị và các đặc trưng kỹ thuật chính của hệ thống (thiết bị điều khiển, thiết bị an toàn, cơ cấu hạn chế quá tải, hạn chế hành trình);
+ Các tiêu chuẩn áp dụng của máy vận thăng.
- Bản vẽ lắp các cụm cơ cấu của máy vận thăng, sơ đồ mắc cáp, đối trọng.
- Bản vẽ tổng thể máy vận thăng có ghi các kích thước và thông số chính.
- Quy trình kiểm tra và thử tải, quy trình xử lý, khắc phục sự cố, chế độ kiểm tra, sửa chữa và bảo dưỡng định kỳ.
- Hướng dẫn sử dụng, lắp đặt và tháo rời.
- Chứng nhận về chất lượng và xuất xứ các bộ phận hợp thành của máy vận thăng.