Những loại giấy tờ cần thiết trong hồ sơ đăng ký bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì?
Những loại giấy tờ cần thiết trong hồ sơ đăng ký bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có quy định cụ thể về hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trừ đối tượng (Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định Luật Hợp tác xã 2023 không hưởng tiền lương) bao gồm:
- Tờ khai đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động kèm theo danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;
- Tờ khai đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của (Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định Luật Hợp tác xã 2023 không hưởng tiền lương) nếu nộp qua người sử dụng lao động thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, nếu tự nộp thì hồ sơ là tờ khai quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Những loại giấy tờ cần thiết trong hồ sơ đăng ký bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì? (Hình từ Internet)
Bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động về mức đóng, phương thức và thời hạn đóng như thế nào?
Căn cứ theo Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có quy định cụ thể về mức đóng, phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động
Mức đóng, phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động
[1] Mức đóng và phương thức đóng của đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, i, k và l khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được quy định như sau:
- Mức đóng hằng tháng bằng 8% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất;
- Đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo phương thức đóng hằng tháng.
Trường hợp đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 hưởng tiền lương theo sản phẩm, theo khoán tại doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì đóng theo phương thức đóng hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
[2] Mức đóng, phương thức và thời hạn đóng của đối tượng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được quy định như sau:
- Mức đóng hằng tháng bằng 22% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất;
- Đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo phương thức đóng 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần cho khoảng thời gian của hợp đồng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thời hạn đóng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng.
Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo phương thức quy định tại điểm này cho thời gian được gia hạn hoặc ký hợp đồng lao động mới hoặc truy đóng sau khi về nước.
[3] Mức đóng, phương thức và thời hạn đóng của đối tượng quy định tại điểm h khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được quy định như sau:
- Mức đóng hằng tháng bằng 22% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất;
- Đóng qua cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trước khi người này được cử làm thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài theo phương thức đóng hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần; thời hạn đóng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng.
[4] Mức đóng, phương thức và thời hạn đóng của đối tượng quy định điểm m và điểm n khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được quy định như sau:
- Mức đóng hằng tháng bằng 3% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, 22% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất;
- Đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc đóng qua hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia quản lý theo phương thức đóng hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần; thời hạn đóng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng.
[5] Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và i khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 mà không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội tháng đó, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận về việc có đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tháng đó với căn cứ đóng bằng căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tháng gần nhất.
Đối tượng quy định tại các điểm đ, e và k khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 mà không làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.
[6] Trường hợp trong tháng đầu làm việc hoặc trong tháng đầu trở lại làm việc mà người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên thì vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.
[7] Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tuất hàng tháng thì người lao động hoặc thân nhân của người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động trước khi người lao động nghỉ việc hoặc chết vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng tiếp không được tính là thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trường hợp người lao động chấm dứt đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì có quyền đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Lưu ý: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết.
Quy định về mức đóng, phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người sử dụng lao động là gì?
Căn cứ theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có quy định cụ thể về mức đóng, phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người sử dụng lao động như sau:
[1] Người sử dụng lao động hằng tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tính trên tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, i, k và l khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 này như sau:
- 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;
- 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
[2] Người sử dụng lao động hằng tháng đóng 22% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất cho đối tượng quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
[3] Người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội cho đối tượng theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, trừ trường hợp người sử dụng lao động có thỏa thuận với người lao động về việc có đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tháng đó với căn cứ đóng bằng căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tháng gần nhất.
[4] Phương thức, thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất đối với người sử dụng lao động được quy định như sau:
- Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng;
- Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần hoặc 06 tháng một lần.
Lưu ý: Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ 01/07/2025