Nhân viên bức xạ y tế được khám sức khỏe định kỳ bao nhiêu lần trong năm?
Nhân viên bức xạ y tế là ai?
Căn cứ Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 13/2018/TT-BKHCN quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư liên tịch này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
4. Nhân viên bức xạ y tế là các bác sỹ, điều dưỡng viên, y sỹ, y tá, hộ lý, dược sỹ, dược tá, kỹ sư, kỹ thuật viên, hộ sinh tại các cơ sở y tế làm việc trực tiếp với các thiết bị bức xạ hoặc các nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở hoặc chăm sóc người bệnh được điều trị bằng các đồng vị phóng xạ hoặc phải làm việc trong khu vực có chiếu xạ tiềm tàng với mức liều lớn hơn 1 mSv/năm hoặc trong khu vực có nguy cơ bị nhiễm bẩn phóng xạ.
...
Theo quy định trên có thể hiểu nhân viên bức xạ y tế là các bác sỹ, điều dưỡng viên, y sỹ, y tá, hộ lý, dược sỹ, dược tá, kỹ sư, kỹ thuật viên, hộ sinh tại các cơ sở y tế làm việc trực tiếp với các thiết bị bức xạ hoặc các nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở hoặc chăm sóc người bệnh được điều trị bằng các đồng vị phóng xạ hoặc phải làm việc trong khu vực có chiếu xạ tiềm tàng với mức liều lớn hơn 1 mSv/năm hoặc trong khu vực có nguy cơ bị nhiễm bẩn phóng xạ.
Nhân viên bức xạ y tế được khám sức khỏe định kỳ bao nhiêu lần trong năm?
Nhân viên bức xạ y tế được khám sức khỏe định kỳ bao nhiêu lần trong năm?
Căn cứ theo Điều 18 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT quy định như sau:
Khám sức khỏe cho nhân viên bức xạ y tế
1. Định kỳ hằng năm, cơ sở y tế phải tổ chức khám sức khỏe cho các nhân viên bức xạ y tế theo quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BYT ngày 06/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động, tổ chức khám bệnh nghề nghiệp.
2. Cơ sở y tế có trách nhiệm bố trí để nhân viên bức xạ y tế không bảo đảm yêu cầu về sức khỏe theo quy định chuyển làm công việc khác không tiếp xúc với bức xạ.
3. Cơ sở y tế phải lập, lưu giữ và quản lý hồ sơ khám sức khỏe của nhân viên bức xạ y tế theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN ngày 08/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng.
Như vậy, nhân viên bức xạ y tế được cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ hằng năm theo quy định tại Thông tư 19/2011/TT-BYT. Tuy nhiên Thông tư 19/2011/TT-BYT đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Thông tư 19/2011/TT-BYT hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế ban hành.
Nhưng trong Thông tư 19/2011/TT-BYT không còn đề cập về số lần khám sức khoẻ định kỳ trong nội dung quản lý sức khỏe lao động.
Đồng thời, dẫn chiếu đến theo khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định khám sức khỏe cho người lao động như sau:
Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động
1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
...
Như vậy, người lao động thông thường sẽ được khám sức khỏe theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 là khám định kỳ ít nhất 01 năm/lần.
Trường hợp nhân viên bức xạ y tế tức tiếp xúc thường xuyên với nguồn phóng xạ, hóa chất độc hại nên được xem là một trong nghề độc hại, nguy hiểm trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định ban hành kèm theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH.
Do đó nhân viên bức xạ y tế trong trường hợp này được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng/lần (căn cứ theo khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015)
Xem chi tiết Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: TẢI VỀ
Phương tiện bảo hộ cá nhân của nhân viên bức xạ y tế là những gì?
Căn cứ theo Điều 17 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT có quy định về phương tiện bảo hộ cá nhân như sau:
Phương tiện bảo hộ cá nhân
Cơ sở y tế phải cung cấp đủ trang thiết bị bảo hộ cá nhân và thiết bị bảo vệ cho nhân viên bức xạ y tế, cụ thể:
1. Tạp dề cao su chì cho nhân viên vận hành thiết bị X - quang chụp răng toàn cảnh, thiết bị X - quang chụp sọ, thiết bị chiếu, chụp X - quang tổng hợp, thiết bị X - quang tăng sáng truyền hình, thiết bị chụp cắt lớp vi tính CT Scanner.
2. Tạp dề cao su chì, tấm cao su che tuyến giáp cho nhân viên vận hành thiết bị chụp X - quang di động.
3. Tạp dề cao su chì, tấm cao su chì che tuyến giáp, kính chì, găng tay cao su chì cho nhân viên vận hành thiết bị X - quang can thiệp, bác sỹ, nhân viên làm việc trong phòng đặt thiết bị X - quang chụp can thiệp và chụp mạch.
4. Quần áo bảo hộ lao động, găng tay, mũ trùm đầu, khẩu trang, giầy bảo hộ hoặc bao chân cho nhân viên bức xạ y tế làm việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở (thuốc phóng xạ, vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ, chất thải phóng xạ).
5. Bình phong chì che chắn cho nhân viên khi tiếp xúc với người bệnh lưu đã sử dụng thuốc phóng xạ hoặc đã cấy nguồn phóng xạ.
Như vậy, nhân viên bức xạ y tế sẽ được cơ sở y tế cung cấp đủ trang thiết bị bảo hộ cá nhân và thiết bị bảo vệ cho nhân viên bức xạ y tế theo quy định nêu trên.