Nguyên tắc đóng bảo hiểm xã hội là gì? Người lao động bao nhiêu tuổi thì hết đóng bảo hiểm xã hội?
Bảo hiểm xã hội là gì?
Căn cứ tại Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
2. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.
3. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
4. Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước.
...
Như vậy, bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Nguyên tắc đóng bảo hiểm xã hội là gì? Người lao động bao nhiêu tuổi thì hết đóng bảo hiểm xã hội?
Nguyên tắc đóng bảo hiểm xã hội là gì?
Căn cứ tại Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Nguyên tắc bảo hiểm xã hội
1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
4. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
5. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo đó, nguyên tắc đóng bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
- Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
- Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Người lao động bao nhiêu tuổi thì hết đóng bảo hiểm xã hội?
Hiện nay, pháp luật hiện hành không giới hạn độ tuổi tối đa đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể sau đây:
Đối với trường hợp đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động
Căn cứ khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định nếu trường hợp đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng khi ký kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo đó, trường hợp người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên vẫn làm việc ở các đơn vị sử dụng lao động chưa đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội, được hưởng chế độ hưu trí thì vẫn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bình thường.
Đối với trường hợp đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động
Căn cứ khoản 4 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định trường hợp đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phải là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên cũng như không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành chỉ giới hạn độ tuổi tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chứ không giới hạn độ tuổi ngừng đóng bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội bắt buộc hay bảo hiểm xã hội tự nguyện đều không có quy định giới hạn về tuổi tối đa đóng bảo hiểm xã hội.