Nguyên quán là gì? Cách ghi nguyên quán trong sơ yếu lý lịch cho người lao động như thế nào?
Nguyên quán là gì? Cách ghi nguyên quán trong sơ yếu lý lịch để cho người lao động như thế nào?
Nguyên quán là thuật ngữ dùng để xác định nguồn gốc của một cá nhân, dựa vào nơi sinh sống của ông, bà nội (nếu khai sinh theo họ cha) hoặc ông, bà ngoại (nếu khai sinh theo họ mẹ). Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại, thì nguyên quán sẽ được ghi theo nguồn gốc của cha hoặc mẹ.
- Phân biệt nguyên quán và quê quán:
+ Nguyên quán: Là quê gốc, xác định dựa trên nơi sinh của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại.
+ Quê quán: Là nơi sinh của cha hoặc mẹ, hoặc nơi cha mẹ thỏa thuận ghi trong giấy khai sinh của con.
- Ví dụ, nếu ông bà nội của bạn sinh sống ở Hà Nội, thì nguyên quán của bạn sẽ là Hà Nội, ngay cả khi bạn và cha mẹ bạn sinh sống ở một nơi khác.
- Trong sơ yếu lý lịch, nguyên quán được ghi theo các nguyên tắc sau:
+ Theo giấy khai sinh: Nếu giấy khai sinh của bạn có mục nguyên quán, bạn ghi theo thông tin trong giấy khai sinh.
+ Theo nguồn gốc của ông, bà: Nếu giấy khai sinh không có mục nguyên quán, bạn ghi theo nơi sinh sống của ông, bà nội (nếu khai sinh theo họ cha) hoặc ông, bà ngoại (nếu khai sinh theo họ mẹ).
+ Theo nguồn gốc của cha hoặc mẹ: Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại, bạn ghi theo nguồn gốc của cha hoặc mẹ.
- Ví dụ:
+ Nguyễn Văn A: Nguyên quán: Xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai (theo nơi sinh sống của ông nội).
+ Trần Thị B: Nguyên quán: Phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh (theo nơi sinh sống của bà ngoại).
Thông tin mang tính chất tham khảo
Nguyên quán là gì? Cách ghi nguyên quán trong sơ yếu lý lịch để cho người lao động như thế nào? (Hình từ Internet)
Chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch để người lao động đi làm ở đâu?
Theo Điều 10 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về địa điểm chứng thực như sau:
Địa điểm chứng thực
1. Việc chứng thực được thực hiện tại trụ sở cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực, trừ trường hợp chứng thực di chúc, chứng thực hợp đồng, giao dịch, chứng thực chữ ký mà người yêu cầu chứng thực thuộc diện già yếu, không thể đi lại được, đang bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác.
2. Khi thực hiện chứng thực phải ghi rõ địa điểm chứng thực; trường hợp chứng thực ngoài trụ sở phải ghi rõ thời gian (giờ, phút) chứng thực.
3. Cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực phải bố trí người tiếp nhận yêu cầu chứng thực các ngày làm việc trong tuần; phải niêm yết công khai lịch làm việc, thẩm quyền, thủ tục, thời gian giải quyết và lệ phí, chi phí chứng thực tại trụ sở của cơ quan, tổ chức.
Theo đó người lao động có thể đi chứng thực sơ yếu lý lịch xin việc tại trụ sở cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực như:
- Uỷ ban nhân dân cấp xã;
- Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng;
- Phòng tư pháp cấp huyện.
Lưu ý: căn cứ theo khoản 5 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP người làm hồ sơ xin việc có thể đến các cơ quan, tổ chức này ở bất kỳ địa phương nào để chứng thực mà không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu.
Sơ yếu lý lịch chứng thực có giá trị trong bao lâu?
Hiện tại, Luật Công chứng 2014 và Nghị định 23/2015/NĐ-CP đều không quy định về thời hạn có hiệu lực của bản sao được chứng thực. Do vậy về nguyên tắc, bản sao được chứng thực có giá trị vô thời hạn.
Tuy nhiên, trong thực tế, bản sao được chứng thực có thể chia thành hai loại:
- Bản sao vô thời hạn: Bản sao được chứng thực từ bảng điểm, bằng cử nhân, giấy phép lái xe mô tô… có giá trị vô hạn, trừ trường hợp bản chính đã bị thu hồi, hủy bỏ.
- Bản sao hữu hạn: Bản sao được chứng thực từ các loại giấy tờ có xác định thời hạn như Phiếu lý lịch tư pháp (6 tháng), Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (6 tháng), Giấy chứng minh Nhân dân (15 năm)… thì bản sao chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn bản gốc còn hạn sử dụng.
Ngoài ra, cán bộ thụ lý có quyền yêu cầu đương sự xuất trình bản chính (bản gốc) để đối chiếu chứ không có quyền yêu cầu nộp bản sao mới.
Như vậy, pháp luật hiện hành không có quy định về việc hạn chế thời hạn sử dụng của bản sao đã được chứng thực từ bản chính nên có thể hiểu với bản sao Sơ yếu lý lịch, thời hạn của giấy tờ này sẽ phụ thuộc vào Sơ yếu lý lịch gốc.
Tuy nhiên, trên thực tế các cơ quan, tổ chức sẽ yêu cầu cung cấp Sơ yếu lý lịch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trong vòng 03 hoặc 06 tháng. Do đó bạn vẫn nên làm lại Sơ yếu lý lịch để tránh trường hợp hồ sơ không đạt yêu cầu của nhà tuyển dụng.