Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ từ đâu?
Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ từ đâu?
Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ được quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH như sau:
- Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp qua Thẻ cho thanh niên do ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên, được giao hằng năm của bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Hằng năm, nguồn kinh phí do ngân sách trung ương đảm bảo nếu thiếu, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương báo cáo Bộ Tài chính để giao bổ sung kinh phí thực hiện. Kết thúc năm ngân sách, phần kinh phí do ngân sách trung ương đảm bảo chưa sử dụng hết (nếu có) được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện, không sử dụng cho mục đích khác.
Năm 2016, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương tự sắp xếp, bố trí nguồn kinh phí trong phạm vi dự toán đã được giao để thực hiện, trường hợp có khó khăn báo cáo Bộ Tài chính.
Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ từ đâu?
Bộ đội xuất ngũ để được hỗ trợ học nghề cần đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ Điều 14 Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về đối tượng hỗ trợ đào tạo nghề, cụ thể như sau:
Đối tượng hỗ trợ đào tạo nghề
Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được hỗ trợ đào tạo nghề khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 15 Nghị định này.
Căn cứ Điều 15 Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện hỗ trợ đào tạo nghề, cụ thể như sau:
Điều kiện hỗ trợ đào tạo nghề
Các đối tượng theo quy định tại Điều 14 Nghị định này được hỗ trợ đào tạo nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có nhu cầu đào tạo nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội;
2. Chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, bộ đội khi hoàn thành nhiệm vụ khi xuất ngũ được hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có nhu cầu đào tạo nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
- Chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Thẻ học nghề cho bộ đội xuất ngũ có thời hạn trong bao lâu?
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư liên tịch 04/2010/TTLT-BQP-BTC hướng dẫn về việc thực hiện chính sách hỗ trợ về việc xuất ngũ như sau:
Chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề
1. Hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng.
Bộ đội xuất ngũ học nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng được học nghề theo cơ chế đặt hàng đối với các cơ sở dạy nghề theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ; được vay tiền để học nghề theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
2. Hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề ở trình độ sơ cấp.
- Bộ đội xuất ngũ học nghề ở trình độ sơ cấp được cấp “Thẻ học nghề” có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu tại thời điểm học nghề và có giá trị trong 01 năm kể từ ngày cấp thẻ. Giá trị của “Thẻ học nghề” được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu.
- Thủ tục cấp “Thẻ học nghề”: Khi quân nhân hoàn thành chế độ phục vụ tại ngũ, có nhu cầu và đăng ký học nghề ở trình độ sơ cấp tại đơn vị được cấp 01 “Thẻ học nghề” (theo mẫu số 1 đính kèm Thông tư này) do Bộ Quốc phòng phát hành có chữ ký đóng dấu của Thủ trưởng đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên. “Thẻ học nghề” được nộp cho cơ sở dạy nghề trong và ngoài quân đội.
- “Thẻ học nghề” phải được bảo quản, giữ gìn cẩn thận, không được tẩy xóa, làm hỏng, không cho người khác mượn. Nếu mất phải liên hệ với cơ quan cấp thẻ để được cấp lại.
Như vậy, theo quy định trên thẻ học nghề cho bộ đội xuất ngũ có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu tại thời điểm học nghề. Bên cạnh đó, thẻ học nghề cho bộ đội xuất ngũ sẽ có giá trị trong 01 năm kể từ ngày cấp thẻ.
Giá trị của Thẻ học nghề được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu.
Thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự là bao nhiêu năm?
Căn cứ vào Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định như sau:
Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ
1. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây:
a) Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;
b) Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
3. Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
Như vậy thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự trong thời bình sẽ là 24 tháng. Trong trường hợp để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ thì sẽ gia hạn thêm thời hạn tham gia nghĩa vụ quân sự nhưng không quá 6 tháng.
Do đó, thời hạn tham gia nghĩa vụ quân sự có thể kéo dài lên đến 30 tháng.