Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc của đơn vị sự nghiệp công lập được lấy từ đâu?

Cho tôi chế độ thôi việc đối với viên chức được quy định như thế nào? Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc của đơn vị sự nghiệp công lập được lấy từ đâu? Câu hỏi của anh Dũng (An Giang).

Viên chức được giải quyết thôi việc trong trường hợp nào?

Theo khoản 1 Điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, viên chức được giải quyết thôi việc trong các trường hợp sau:

Giải quyết thôi việc đối với viên chức
1. Viên chức được giải quyết thôi việc trong các trường hợp sau:
a) Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức;
b) Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức khi có một trong các trường hợp quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức và khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
c) Đơn vị sự nghiệp công lập không ký tiếp hợp đồng làm việc với viên chức khi kết thúc hợp đồng làm việc xác định thời hạn.

Như vậy, viên chức sẽ được giải quyết thôi việc trong 03 trường hợp nêu trên.

Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc của đơn vị sự nghiệp công lập được lấy từ đâu?

Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc của đơn vị sự nghiệp công lập được lấy từ đâu? (Hình từ Internet)

Chế độ thôi việc đối với viên chức được quy định như thế nào?

Theo nội dung được nêu tại Điều 45 Luật Viên chức 2010 được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 thì viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm khi:

- Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức;

- Hết thời hạn của hợp đồng nhưng người sử dụng lao động không ký kết tiếp hợp đồng làm việc;

- Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng do ốm đau, bị tai nạn theo quy định tại khoản 4 Điều 29 hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010.

Lưu ý viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Bị buộc thôi việc;

+ Vi phạm quy định đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

+ Chấm dứt hợp đồng làm việc do viên chức có quyết định nghỉ hưu.

(1) Trợ cấp thôi việc.

Mức hưởng trợ cấp thôi việc của viên chức: Căn cứ theo nội dung quy định tại Điều 58 Nghị định 115/2020/NĐ-CP về mức hưởng trợ cấp thôi việc đối với viên chức thôi việc:

Đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31/12/2008 trở về trước:

- Mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng, bao gồm:

+ Mức lương theo chức danh nghề nghiệp

+ Phụ cấp chức vụ quản lý, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề

+ Hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);

- Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 tháng lương hiện hưởng;

- Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/07/2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/ 2008;

- Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01/07/2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.

Đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 01/01/2009 đến nay

Được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.

Trợ cấp thôi việc = 1/2 x Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc x Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc.

(2) Trợ cấp thất nghiệp

Viên chức khi nghỉ việc sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi đảm bảo các điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013.

Viên chức được hưởng theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng nữa nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Tuy nhiên, viên chức sẽ không được hưởng khoản trợ cấp này nếu không tìm kiếm việc làm sau khi thôi việc.

Trong trường hợp này, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của viên chức vẫn được bảo lưu để được hưởng khi viên chức hoàn thiện hồ sơ và tiếp tục tìm kiếm việc làm nhưng không tìm được hoặc để đóng tiếp khi viên chức tiếp tục làm việc ở nơi làm việc mới.

(3) Bảo hiểm xã hội 1 lần

Ngoài ra căn cứ Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi có yêu cầu thì viên chức được hưởng BHXH 01 lần nếu thuộc các trường hợp sau đây:

- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc là công chức xã hoặc người hoạt động không chuyên trách ở xã chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện (theo điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019).

- Ra nước ngoài;

- Mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS…

Mức hưởng BHXH 01 lần được tính theo số năm đã đóng BHXH. Trong đó, cứ mỗi năm được tính như sau:

- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

- Chưa đóng đủ 01 năm BHXH thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc của đơn vị sự nghiệp công lập được lấy từ đâu?

Căn cứ khoản 3 Điều 58 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Trợ cấp thôi việc đối với viên chức thôi việc
...
3. Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc:
a) Đối với đơn sự nghiệp công lập tự bảo đảm về chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm về chi thường xuyên: Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được lấy từ nguồn tài chính của đơn vị, kể cả thời gian trước đó viên chức đã làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị.
b) Đối với đơn sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Nguồn kinh phí chi trả được lấy từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, kể cả thời gian trước đó viên chức đã làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị. Trường hợp nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập không đáp ứng đủ phần kinh phí chi trả cho thời gian viên chức trước đó đã làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị thì ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Như vậy, tùy thuộc vào đơn vị sự nghiệp đó tự chủ tài chính hay tự chủ một phần tài chính thì nguồn kinh phí để trả trợ cấp thôi việc sẽ khác nhau nhưng vẫn đảm bảo phải nguồn kinh phí theo như quy định tại khoản 3 Điều 58 Nghị định 115/2020/NĐ-CP.

MỚI NHẤT
0 lượt xem
Bài viết mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào