Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có bắt buộc phải là đảng viên không?
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng gì?
Theo Điều 3 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 quy định:
Vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Theo đó lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng được chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân. Mục đích của lực lượng này là hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn (Công an cấp xã) và giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có bắt buộc phải là đảng viên không? (Hình từ Internet)
Người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có bắt buộc phải là đảng viên không?
Căn cứ theo Điều 13 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023, người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở không quy định phải là đảng viên những phải đáp ứng các tiêu chuẩn dưới đây:
- Là công dân Việt Nam có nguyện vọng.
- Từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã.
- Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính.
Trường hợp đã chấp hành xong bản án của Tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật;
- Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.
- Đang thường trú hoặc tạm trú từ 01 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trường hợp công dân thuộc các đối tượng sau thì phải đang thường trú hoặc tạm trú tại nơi nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:
+ Công dân đã có thời gian phục vụ trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ;
+ Công dân am hiểu về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư hoặc đã từng tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
- Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.
Theo đó, người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không bắt buộc phải là đảng viên.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có được trang bị công vụ hỗ trợ không?
Theo Điều 52 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 quy định:
Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ
1. Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ bao gồm:
a) Quân đội nhân dân;
b) Dân quân tự vệ;
c) Cảnh sát biển;
d) Công an nhân dân;
đ) Cơ yếu;
e) Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
g) Cơ quan thi hành án dân sự;
h) Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, Kiểm ngư, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản;
i) Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách phòng, chống buôn lậu của Hải quan, lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy của Hải quan;
k) Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường;
l) An ninh hàng không, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải;
m) Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ;
n) Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
o) Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;
p) Cơ sở cai nghiện ma túy;
q) Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
2. Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển, Cơ yếu và câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Theo đó lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở thuộc đối tượng được trang bị công vụ hỗ trợ. Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.