Người sử dụng lao động từ chối khi người lao động đề nghị đối thoại về hình thức thưởng có được không?
- Người sử dụng lao động từ chối khi người lao động đề nghị đối thoại về hình thức thưởng có được không?
- Sau khi kết thúc đối thoại về hình thức thưởng thì người sử dụng lao động có cần công khai nội dung đối thoại hay không?
- Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có trách nhiệm gì trong việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc?
Người sử dụng lao động từ chối khi người lao động đề nghị đối thoại về hình thức thưởng có được không?
Căn cứ Điều 63 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc
1. Đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.
2. Người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trong trường hợp sau đây:
a) Định kỳ ít nhất 01 năm một lần;
b) Khi có yêu cầu của một hoặc các bên;
c) Khi có vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 và khoản 1 Điều 128 của Bộ luật này.
3. Khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động tiến hành đối thoại ngoài những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Chính phủ quy định việc tổ chức đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Dẫn chiếu đến Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Thưởng
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo đó, quy chế thưởng phải được tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Đồng thời, quy chế thưởng bắt buộc phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc bởi người sử dụng lao động.
Ngoài ra, khi người lao động đề nghị đối thoại thì người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.
Như vậy, người sử dụng lao động không được từ chối khi người lao động đề nghị đối thoại về hình thức thưởng.
Người sử dụng lao động từ chối khi người lao động đề nghị đối thoại về hình thức thưởng có được không? (Hình từ Internet)
Sau khi kết thúc đối thoại về hình thức thưởng thì người sử dụng lao động có cần công khai nội dung đối thoại hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 38 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Tổ chức đối thoại khi có vụ việc
1. Đối với vụ việc người sử dụng lao động phải tham khảo, trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở về quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36; cho thôi việc đối với người lao động theo quy định tại Điều 42; phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44; thang lương, bảng lương và định mức lao động theo quy định tại Điều 93; quy chế thưởng theo quy định tại Điều 104 và nội quy lao động theo quy định tại Điều 118 của Bộ luật Lao động được thực hiện như sau:
a) Người sử dụng lao động có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo nội dung cần tham khảo, trao đổi ý kiến đến các thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người lao động;
b) Các thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người lao động có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến người lao động do mình đại diện và tổng hợp thành văn bản của từng tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động để gửi tới người sử dụng lao động; trường hợp nội dung đối thoại liên quan đến quyền, lợi ích của lao động nữ thì cần bảo đảm lấy ý kiến của họ;
c) Căn cứ ý kiến của các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động, người sử dụng lao động tổ chức đối thoại để thảo luận, trao đổi ý kiến, tham vấn, chia sẻ thông tin về những nội dung người sử dụng lao động đưa ra;
d) Số lượng, thành phần tham gia, thời gian, địa điểm tổ chức đối thoại do hai bên xác định theo quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
đ) Diễn biến đối thoại phải được ghi thành biên bản và có chữ ký của đại diện các bên tham gia đối thoại theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định này;
e) Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố công khai tại nơi làm việc những nội dung chính của đối thoại; tổ chức đại diện người lao động (nếu có), nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) phổ biến những nội dung chính của đối thoại đến người lao động là thành viên.
...
Như vậy, sau khi kết thúc đối thoại về hình thức thưởng thì người sử dụng lao động phải công khai nội dung đối thoại tại nơi làm việc.
Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có trách nhiệm gì trong việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 37 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có trách nhiệm trong việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc như sau:
- Cử thành viên đại diện tham gia đối thoại theo quy định;
- Tham gia ý kiến với người sử dụng lao động về nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
- Lấy ý kiến người lao động, tổng hợp và chuẩn bị nội dung đề nghị đối thoại;
- Tham gia đối thoại với người sử dụng lao động theo quy định và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.